Với hàng loạt những bất cập đã và đang hiện hữu, chuyên gia cho rằng, sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, nếu không có những thay đổi từ căn bản, khó giải quyết được những vấn đề từ gốc…
>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần tính đến hài hòa… lợi ích
Theo kết quả rà soát toàn bộ 35 Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính đã xác định có 22 Điều cần phải sửa đổi, bổ sung. Trong đó, chủ yếu liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh và các nhóm vấn đề mang tính kỹ thuật khác.
Trước thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, Luật Thuế TNCN phải được sửa toàn diện. Bởi, Luật này đã được xây dựng từ cách đây hơn 10 năm, có những điểm bất cập, hạn chế cần xem xét cân nhắc, tính toán điều chỉnh cho phù hợp hơn vì thực tế cho thấy, kinh tế - xã hội phát triển, năng suất lao động, thu nhập của người dân tăng lên, tuy nhiên, phương pháp tính thuế, mức giảm trừ gia cảnh vẫn tính theo mức cố định như hiện nay là không hợp lý.
Đáng nói, trước hàng loạt những bất cập gây khó cho người nộp thuế, Luật Thuế TNCN lại chỉ dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 (dự kiến tháng 10/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (dự kiến tháng 5/2026). Đặc biệt, Bộ Tư pháp cho rằng, nếu dự kiến đến 2026, Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cũng có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh và cắt giảm 2 bậc thuế trong tính thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc…
Xoay quanh những nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh mà các bậc thuế, thuế suất vẫn giữ như hiện hành thì mới chỉ điều chỉnh rất ít cho những người chưa đến ngưỡng nộp thuế. Trong khi những người đang nộp thuế hiện nay thì không được điều chỉnh đáng kể. Hay nếu chỉ giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc nhưng thuế suất cao nhất vẫn để mức 35% thì tỷ lệ điều tiết vẫn cao hơn hiện nay.
Vì vậy, theo các chuyên gia, cần phải tính toán lại việc thu thuế TNCN theo hướng không đánh thuế với nhóm người có thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Thu thuế thấp với nhóm người có thu nhập đáp ứng được nhu cầu sống trung bình, chỉ thu thuế cao đối với nhóm người có mức sống cao thật sự.
>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần lưu ý đến lợi ích của người có thu nhập thấp
Nêu quan điểm về việc sửa Luật Thuế TNCN, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho hay, khi chính sách đã ban hành ra không phù hợp với thực tiễn bắt buộc phải sửa đổi. Bất cập hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Điều vô lý nữa là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.
Ngoài ra, cách tính giảm trừ gia cảnh hợp lý là phải tính giảm trừ kết hợp giữa hai tiêu chí, khấu trừ cố tịnh và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu có tính thiết yếu (có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý). Hiện tại, người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng nhưng còn rất nhiều khoản tiền khác phải chi không được tính đến, thành ra cào bằng.
“Không thể điều hành thuế theo lạm phát, vì mỗi năm, mức sống, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng phải tăng lên. Thực tế, từ 01/7/2013 đến nay, đời sống của người dân cũng đã nâng lên rất nhiều, nhu cầu về vật chất và tinh thần cao hơn nhiều, thuế TNCN cần phải linh hoạt và bám sát tình hình thực tế”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Luật Thuế TNCN phải được sửa toàn diện, nếu chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh mà các bậc thuế, thuế suất vẫn giữ như hiện hành thì mới chỉ điều chỉnh rất ít cho những người chưa đến ngưỡng nộp thuế. Trong khi những người đang nộp thuế hiện nay thì không được điều chỉnh đáng kể. Hay nếu chúng ta chỉ giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc nhưng thuế suất cao nhất vẫn để mức 35% thì tỷ lệ điều tiết vẫn cao hơn hiện nay.
Bà Cúc cho rằng, mức thuế suất cao nhất chỉ nên ở mức 25 - 27% hoặc cùng lắm 28 - 30% là hợp lý. Nhưng điều quan trọng hơn, là phải giãn khoảng cách giữa các bậc thuế, hiệu quả điều tiết sẽ thấy rõ.
“Ngay cả khi giữ mức thuế suất cao nhất tới 35%, song phạm vi áp dụng là người có thu nhập tới 300 triệu đồng/tháng trở lên thì không tác động gì nhiều vì rất ít người đạt ngưỡng thu nhập này. Tương tự, một người có thu nhập 40 triệu đồng, theo quy định hiện hành, phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 1,65 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu giãn bậc thuế theo hướng người có thu nhập từ 5 - 20 triệu đồng vẫn chịu thuế suất 5%, thì người có thu nhập 40 triệu đồng chỉ phải nộp 900.000 đồng, giảm gần 50% số thuế phải đóng so với hiện nay”, bà Cúc lấy ví dụ.
Có thể bạn quan tâm
Những điều cần lưu ý khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2022
00:35, 20/03/2023
Thu thuế thu nhập cá nhân người mất việc: Nên xem xét lại
04:06, 10/03/2023
Thu thuế thu nhập cá nhân người mất việc: Đạt lý nhưng có thấu tình?
04:00, 09/03/2023
Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần xử lý những bất cập lớn
17:49, 03/03/2023
Mất việc vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân: Chỉ tạm... khấu trừ?
11:00, 03/03/2023