Một số giải pháp thúc đẩy chính sách phát triển điện gió ngoài khơi
Ngoài bổ sung lại các điều khoản Luật liên quan, phát triển điện gió ngoài khơi cần có chính sách cơ chế hỗ trợ giá FIT trong khoảng thời gian nhất định.
>>Cần hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển điện gió ngoài khơi
Việt Nam có tiềm năng lớn về khai thác năng lượng tái tạo, ngoài điện mặt trời thì điện gió ngoài khơi cũng đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu chuyển dịch năng lượng. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, điện gió ngoài khơi được tính toán dự kiến công suất lắp đặt lên tới 7 GW vào năm 2030 và 87,5GW vào năm 2050. Điều này có thể giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2 và tạo ra sản lượng điện xanh khá lớn tương ứng là 6,1TWh và 27,2TWh vào năm 2050.
Tuy nhiên, để phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Điển hình, khung pháp lý cho lĩnh vực này vẫn còn vướng, vì ngoài việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan đến các ngành kinh tế biển khác như hoạt động dầu khí ngoài khơi, lưu thông hàng hải, khai thác thủy sản, khu bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là an ninh quốc phòng…
Ngoài ra, các rào cản từ hành lang pháp lý còn bị vướng mắc như chưa có quy hoạch không gian biển, chưa có cơ chế chính sách đầu tư xây dựng, quy định cho thuê cấp phép, quy chuẩn tiêu chuẩn, quy định vận hành, cơ chế giá điện, hợp đồng mua bán điện và các quy định về hệ thống điện, hệ thống cảng biển…
>>Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý
>>Phát triển điện gió ngoài khơi, mục tiêu và giải pháp
Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết số 55 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với chiến lược biển Việt Nam. Với sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành điện gió ngoài khơi. “Nhưng trước tiên cần khơi thông chính sách, trong đó việc thể chế hóa và cụ thể hóa yêu cầu xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển đột phá điện gió ngoài khơi cần được thực hiện sớm” – TS Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Đưa ra góp ý để giải quyết những bất cập trên, PGS.TS Nguyễn Xuân Huy - Chuyên gia năng lượng, Khoa KT Địa Chất và Dầu Khí, Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM cho biết, chúng ta cần đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp từ các bên liên quan bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài chính chủ chốt và các nhà đầu tư tư nhân cũng như các nhà phát triển công nghệ cùng hợp tác. Về chính sách, Việt Nam có thể sử dụng các cơ chế khác nhau như:
Một là sử dụng các hệ thống dựa trên đấu giá, trong đó các nhà đầu tư đấu thầu có quyền phát triển các dự án bằng hoặc thấp hơn giá mục tiêu do Chính phủ đặt ra để phát điện.
Hai là các dự án điện gió ngoài khơi cần có có một biểu giá điện ưu đãi (cơ chế FiT) trong thời gian nhất định, nhằm cung cấp mức giá phù hợp đảm bảo cho việc sản xuất năng lượng tái tạo và giảm rủi ro liên quan đến phát triển điện gió ngoài khơi.
Ba là cần sớm có thị trường giao dịch cacbon để tăng thêm nguồn thu ngân sách từ việc bán chứng chỉ năng lượng tái tạo được tạo ra từ các dự án ngoài khơi nhằm đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải. Việc tích hợp đồng bộ các cơ chế này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua được các rào cản tâm lý lo ngại khi nhắc đến kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi, mà còn giúp đào tạo thêm được đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, giải quyết được bài toán khó khăn về tài chính và các vấn đề liên quan đến kết nối lưới điện, bảo vệ môi trường góp phần đưa Việt Nam tiến tới nền kinh tế xanh một cách nhanh nhất.
Đóng góp ý kiến về chính sách, TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ, để thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cụ thể về công tác lập pháp, trong nhiệm kỳ đã, đang và sẽ đánh giá, rà soát và xem xét việc sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực năng lượng như: Luật Điện lực, Luật sử dụng năng lượng tiết liệm và hiệu quả, các Luật liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)…
Bên cạnh đó các chuyên gia cho biết, ngoài những sửa đổi những điều khoản của các bộ luật trên, vấn đề cấp phép khảo sát biển cho điện gió ngoài khơi cũng cần được xem xét các luật liên quan như: Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13 (ngày 21/6/2012); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 (ngày 25/6/2015); Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (ngày 24/11/2017) và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP (ngày 10/02/2021) của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Ngoài ra còn có các Quyết định, Thông tư quy định thực hiện phát triển dự án điện gió cần xem xét tính khả thi và hiệu quả triển khai trên thực tế.
Song song với đó các chuyên gia cho rằng, để thực hiện được tham vọng phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng, chúng ta cần sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như nhà đầu tư định hướng chiến lược phát triển về cơ cấu nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo được phát triển như thế nào để bảo đảm mục tiêu cung ứng điện nhằm đáp ứng đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đạt được lộ trình phát thải ròng quốc gia theo cam kết của Thủ tướng Chính Phủ tại COP 26.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp nào để phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam?
14:49, 16/03/2023
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển điện gió ngoài khơi
14:14, 16/03/2023
Sức hút từ điện gió ngoài khơi
04:30, 17/02/2023
Tập đoàn CIP với tham vọng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
02:00, 14/01/2023
Phát triển điện gió ngoài khơi, mục tiêu và giải pháp
11:30, 10/12/2022