Cần xác định rõ bản chất hoạt động của TMĐT để có chính sách quản lý phù hợp

GIA NGUYỄN 11/04/2023 04:00

Xoay quanh các chính sách quản lý hoạt động thương mại điện tử, tại Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022”, VCCI cho rằng, việc thiết kế quy định cần dựa trên bản chất của nền tảng này…

>> Quan ngại sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong các quy định điều chỉnh nền tảng số

Theo đó, bên cạnh những quan ngại sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong các quy định điều chỉnh nền tảng số nói chung, tại nội dung Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, năm 2022, Bộ Tài chính soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, trong đó có quy định về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử (TMĐT) với nghĩa vụ thuế của người bán. Tranh luận đáng chú ý diễn ra xung quanh quy định này là bản chất của sàn TMĐT là gì, và sử dụng hình tượng “chợ” hay “siêu thị” để miêu tả. Bản chất của sàn TMĐT sẽ xác định trách nhiệm nộp thuế của người bán hay của sàn TMĐT.

Theo VCCI, Bản chất của sàn TMĐT sẽ xác định trách nhiệm nộp thuế của người bán hay của sàn TMĐT - Ảnh minh họa: ITN

Theo VCCI, bản chất của sàn TMĐT sẽ xác định trách nhiệm nộp thuế của người bán hay của sàn TMĐT - Ảnh minh họa: ITN

Theo VCCI, tại một số phiên bản đầu tiên của Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng có quy định, nền tảng số có trách nhiệm của tổ chức kinh doanh, bên cạnh một số trách nhiệm đặc thù khác với nền tảng số. Như vậy, cơ quan soạn thảo dường như đang cho rằng một nền tảng số (mà chủ yếu là các sàn TMĐT) cũng chính là người bán hàng, và do đó có trách nhiệm như của người bán với người mua. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp lại cho rằng, quy định này không phù hợp với mô hình hoạt động của nền tảng số trung gian.

“Các tranh luận trên cho thấy, có một sự “bối rối” trong việc xác định đúng bản chất và mô hình hoạt động của nền tảng số trung gian. Vậy “người bán”, “siêu thị” hay “chợ” mới là mô tả phù hợp với hoạt động kinh doanh của các nền tảng này?”, VCCI đặt vấn đề.

Cũng theo VCCI, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã xác định rất rõ bản chất của các sàn TMĐT (một nền tảng số trung gian) là đơn vị trung gian. Cụ thể, các sàn TMĐT là đơn vị cung cấp dịch vụ thiết lập website để các thương nhân khác có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Trên thực tế, đây cũng là mô hình hoạt động chủ yếu của các sàn TMĐT hiện nay.

>> Ổn định chính sách, tránh "phanh gấp"

Do vậy, VCCI khuyến nghị, việc thiết kế quy định cần dự trên bản chất của nền tảng này - Ảnh minh họa: ITN

VCCI khuyến nghị, việc thiết kế quy định tại các chính sách quản lý nền tảng TMĐT cần dự trên bản chất của nền tảng này - Ảnh minh họa: ITN

Quay trở lại tranh luận ở trên, định nghĩa này có thể tương đương với việc so sánh sàn TMĐT là “chợ”. Lúc này, đơn vị vận hành sàn đóng vai trò như Ban quản lý chợ. Điều này có nghĩa là đơn vị vận hành sàn không phải là người bán, không thực hiện nhập hàng cũng không bán hàng (không quảng cáo, cung cấp thông tin cho khách hàng, quyết định giá cả, hậu mãi…). Đơn vị vận hành sàn chỉ là đơn vị trung gian kết nối giữa hai bên. Khi đó, trách nhiệm của sàn chỉ nên dừng lại ở phạm vi điều tiết chung hoạt động mua bán như yêu cầu người bán thực hiện đúng trách nhiệm của mình, thực hiện giải quyết tranh chấp giữa hai bên và đảm bảo hoạt động cạnh tranh lành mạnh giữa các người bán trên nền tảng.

Trong khi đó, nếu so sánh sàn TMĐT với “siêu thị” thì dường như hơi khập khiễng khi sàn chỉ đóng vai trò cung cấp nền tảng để người bán và người mua gặp nhau và tiến hành giao dịch chứ không nhập hàng từ nhà cung cấp để bán lại cho người mua, thậm chí việc vận chuyển cũng là do bên thứ ba chứ sàn không trực tiếp thực hiện, cũng không có quyền quyết định về quảng cáo, khuyến mại hay quyết định về giá bán đến tay người tiêu dùng.

Tương tự, nền tảng số trung gian cũng khó trở thành người bán hàng khi nền tảng số không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm hay nhập hàng về kinh doanh, và cũng không trực tiếp quản lý hàng hóa (hàng hóa được chuyển từ người bán - đơn vị vận chuyển - người mua). Do vậy, các nền tảng số không có đủ khả năng chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hay ghi thông tin trên nhãn hàng hóa, hay thực hiện bảo hành sản phẩm như quy định tại Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Cách tiếp cận như vậy có nguy cơ tạo ra rủi ro kinh doanh rất lớn và không phù hợp với mô hình hoạt động của các doanh nghiệp”, VCCI đánh giá.

Từ các phân tích đã nêu, VCCI khuyến nghị, bám sát vào bản chất mô hình hoạt động của các nền tảng này, việc thiết kế các quy định sẽ trở nên phù hợp, khả thi hơn, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển của nền kinh tế số.

Trước đó, xoay quanh nội dung các chính sách quản lý sàn TMĐT, tình trạng văn bản điều hành mở rộng quá phạm vi so với văn bản quy phạm pháp luật cũng từng là một trong những vấn đề khiến dư luận cũng như cộng đồng doanh nghiệp vô cùng quan ngại.

Cụ thể, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP quy định, sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp các thông tin: tên người bán; định danh (mã số thuế hoặc căn cước); địa chỉ; số điện thoại; doanh thu bán hang thông qua chức năng bán hang trực tuyến. Tuy nhiên, Công văn số 4205/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế ngày 14/11/2022 còn yêu cầu sàn TMĐT bổ sung rất nhiều các chỉ tiêu thông tin khác trở thành bắt buộc cung cấp như: Tổng số lượng các đơn hang đã giao dịch thành công, tổng số lượng các đơn hang đã giao dịch không thành công, thời gian hoạt động của người bán trên sàn trong quý,… Đây là các nội dung vượt quá phạm vi so với quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP.

Có thể bạn quan tâm

  • Thương mại điện tử: chuyển từ tăng trưởng “nóng” sang phát triển bền vững

    Thương mại điện tử: chuyển từ tăng trưởng “nóng” sang phát triển bền vững

    03:25, 08/04/2023

  • 06/04:

    06/04: "Hỗ trợ DNNVV kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử"

    07:00, 02/04/2023

  • Sáu xu hướng phát triển bền vững của ngành thương mại điện tử

    Sáu xu hướng phát triển bền vững của ngành thương mại điện tử

    00:41, 22/03/2023

  • Thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng

    Thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng

    03:00, 16/03/2023

  • Thu thuế thương mại điện tử:p/Cần một cơ chế hợp lý

    Thu thuế thương mại điện tử: Cần một cơ chế hợp lý

    15:37, 28/02/2023

GIA NGUYỄN