Pháp luật bản quyền về quyền ghi công - Bài 1: Ngăn chặn vấn nạn đạo nhái
Thiết lập quy định về quyền ghi công đối với tác giả của tác phẩm dưới các trường hợp cụ thể có thể sẽ là giải pháp hữu hiệu để phòng tránh các vi phạm “đạo nhái” tại Việt Nam.
>>Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng
Quyền ghi công ở đây được hiểu là việc ghi nhận, chỉ tên tác giả trên tác phẩm gốc và các tác phẩm liên quan đến tác phẩm gốc. Hay nói cách khác, đây là quyền của tác giả được xác định và đặt tên là tác giả của tác phẩm của mình. Thông qua đó, tác giả có quyền ngăn chặn người khác ghi nhận là tác giả lên tác phẩm của họ.
Thiết lập quy định về quyền ghi công
Trên thực tế, trường hợp thực hiện hành vi không ghi công tác giả đã xảy ra. Có thể kể đến vụ tranh chấp gần đây vào tháng 11/2022 về hành vi ký tên lên tranh sao chép của họa sĩ Phạm Hồng Minh đối với 2 tác phẩm tranh vẽ “Lì xì nhé" và "Cô gái Dao Đỏ" của họa sĩ Lê Thế Anh. Hay xa hơn vào tháng 08/2021, tranh cãi về triển lãm tranh của Họa sĩ Nguyễn Thanh Phương có liên quan đến việc ghi công cho Họa sĩ Phan Hải Bằng - người khai sinh nghệ thuật trúc chỉ Huế .
Có thể thấy các trường hợp gán sai tác giả/chủ sở hữu tác phẩm hay thực thi quyền ghi công chưa được quy định rõ ràng, tạo lỗ hổng pháp lý trong thực hiện pháp luật về ghi công đối với tài sản trí tuệ.
Việt Nam được xem là quốc gia mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, với sự phong phú của các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian. Nhằm bảo tồn giá trị và nâng cao nhận thức bảo hộ tài sản trí tuệ của cộng đồng, vấn đề đăng ký bản quyền tác giả hoặc chủ sở hữu nên được quan tâm đúng mức hơn nữa. Trong đó, nhu cầu về quyền ghi công là đòi hỏi phù hợp của mỗi cá nhân, tổ chức; giảm thiểu hành vi đạo văn trong và ngoài không gian mạng; cũng như tạo động lực thúc đẩy tính sáng tạo thông qua việc nâng cao ghi nhận thành tựu, đóng góp công sức của tác giả và chủ sở hữu.
>>Làm rõ chính sách về quyền tác giả
Quy định của Hoa Kỳ về quyền ghi công
Tại Hoa Kỳ, quyền ghi công được quy định trong Luật Bản quyền 1968. Cụ thể tại Section 195, yêu cầu việc xác định tác giả của tác phẩm phải rõ ràng và nổi bật một cách hợp lý. Theo đó, quyền ghi công sẽ bị xem là vi phạm nếu: (1) Một chương trình truyền hình sử dụng một tác phẩm âm nhạc mà tên nhà soạn nhạc không được đề cập trong phần giới thiệu với tư cách là tác giả của âm nhạc hoặc lời bài hát; (2) Một nhà văn gửi một bài báo cho một tạp chí để xuất bản, một số phần của nội dung bài báo được nhà xuất bản thay đổi, và sau đó bài báo được xuất bản mà không cần tham chiếu đến người viết; (3) Một họa sĩ mua một bức tranh của một họa sĩ khác và đặt chữ ký của chính mình lên chữ ký của họa sĩ gốc trước khi bán nó.
Bên cạnh đó, tác giả của tác phẩm có quyền "không có quyền tác giả của tác phẩm bị gán sai cho người khác", có nghĩa là tác phẩm bị gán sai tên cho người khác thì người gán tên sai đó sẽ không có quyền tác giả; tuy nhiên, người tạo ra tác phẩm bị gán sai vẫn có quyền tác giả, dù là tác phẩm gốc hay tác phẩm sao chép từ tác phẩm gốc. Cụ thể:
Đối với tác phẩm văn học, kịch hoặc âm nhạc, hành vi ghi sai tác giả được xem xét qua các trường hợp: (1) chèn hoặc gắn (hoặc ủy quyền cho người khác chèn hoặc gắn) tên của một người vào hoặc trên tác phẩm, hoặc lên một bản sao của tác phẩm theo cách ngụ ý sai người đó là tác giả/nghệ sĩ biểu diễn của tác phẩm hoặc chuyển thể từ một tác phẩm; (2) xử lý tác phẩm bị ghi sai tên người, nếu biết rõ người đó không phải là tác giả/nghệ sĩ biểu diễn của tác phẩm hoặc tác phẩm không phải là phóng tác từ tác phẩm của người đó; (3) xử lý việc sao chép tác phẩm bị chèn hoặc gắn sai tên của một người, nếu biết rõ người đó không phải là tác giả/nghệ sĩ biểu diễn của tác phẩm hoặc tác phẩm không phải là phóng tác từ tác phẩm của người đó; (4) biểu diễn trước công chúng hoặc truyền đạt tác phẩm hoặc phóng tác của tác phẩm như là tác giả, mặc dù người đó không phải là tác giả/nghệ sĩ biểu diễn của tác phẩm hoặc tác phẩm không phải là phóng tác từ tác phẩm của người đó.
Tương tự, đối với hành vi ghi sai tên tác giả liên quan đến phim ảnh, các trường hợp sẽ bị xem là vi phạm: (1) chèn hoặc gắn (hay ủy quyền cho người khác chèn hoặc gắn) tên của một người vào hoặc trên tác phẩm, hoặc lên một bản sao của tác phẩm theo cách ngụ ý sai người đó là đạo diễn, nhà sản xuất hoặc nhà biên kịch của bộ phim; (2) xử lý một tác phẩm mà người ta biết rằng tên của một người đã bị chèn hoặc gắn sai; (3) truyền đạt bộ phim với tư cách là đạo diễn, nhà sản xuất hoặc nhà biên kịch khi được biết rằng người đó không phải là đạo diễn, nhà sản xuất hoặc nhà biên kịch của bộ phim.
(*) Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM
Bài tiếp: Hoàn thiện quyền ghi công trên môi trường số
Có thể bạn quan tâm
Bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sáng chế xanh
11:30, 06/04/2023
Ngăn chặn xâm hại tài sản sở hữu trí tuệ
02:30, 18/03/2023
Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) giúp… “thúc đẩy sáng tạo”
03:30, 25/01/2023
Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP - Bài 2: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
03:20, 04/12/2022
Đăng ký sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp bỗng dưng bị…tước nhãn hiệu
17:36, 01/12/2022
Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP - Bài 1: "Sai một ly, đi một dặm"
03:20, 01/12/2022
Nâng sức cạnh tranh cho du lịch bằng sở hữu trí tuệ
03:00, 04/11/2022