Sáng chế xanh là một đối tượng sở hữu trí tuệ đang được nhiều quốc gia trên thế giới tạo cơ chế bảo hộ thông thoáng và khuyến khích.
>>>Ngăn chặn xâm hại tài sản sở hữu trí tuệ
Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), bằng sáng chế xanh là một hình thức khen thưởng thương mại với sự đảm bảo nhà phát minh có độc quyền khai thác sáng chế, khuyến khích các công ty đầu tư vào các công nghệ mới, sạch và đem lại hiệu quả.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bằng sáng chế xanh là mấu chốt trong chiến lược kinh doanh của nhiều công ty xanh. Bằng sáng chế xanh không chỉ thu hút và đảm bảo tài trợ mà còn là một nguồn doanh thu, thông qua các thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế và chuyển giao công nghệ, giấy phép phi thương mại và các thỏa thuận khác.
Đổi mới xanh và tài chính xanh là hai cấu phần chính của phát triển bền vững, mà đối tượng của đổi mới xanh và tài chính xanh đó là sáng chế xanh. Về vai trò, bằng sáng chế xanh có vai trò đối với đổi mới và chuyển giao công nghệ xanh quốc tế nói chung. Công nghệ xanh là công nghệ thân thiện với môi trường như được định nghĩa trong Chương 34 của Chương trình nghị sự 21, Chương trình Hành động của Liên hợp quốc từ Rio (1992).
Trong đó, xu hướng đăng ký bằng sáng chế xanh được đánh giá là thành phần quan trọng của các đổi mới xanh ảnh hưởng đến phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp xanh có thể được phân thành hai loại: (1) hàng hóa và dịch vụ môi trường (EGS), chẳng hạn như năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm tài nguyên và công nghệ giảm thiểu ô nhiễm; (2) xanh hóa doanh nghiệp (GB), có sự tham gia của khu vực tư nhân là các doanh nghiệp đang thực hiện các thay đổi sản phẩm và/hoặc quy trình một cách tích cực nhằm thúc đẩy tính bền vững của môi trường.
Tùy vào những khả năng riêng biệt mà mỗi quốc gia sở hữu, bên cạnh các hoạt động phát hành trái phiếu xanh, đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh và công bố thông tin về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) thì việc khuyến khích đăng ký cấp bằng sáng chế xanh sẽ tác động đến quá trình chuyển đổi sang các mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Cùng với sự nóng lên toàn cầu và các tác động khác liên quan đến biến đổi khí hậu được cảm nhận, những sáng chế xanh ra đời tập trung vào bảo tồn tính bền vững trong việc thúc đẩy đổi mới sinh thái được khuyến khích tại nhiều quốc gia ASEAN. Điều này cho thấy sáng chế xanh tồn tại không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn dựa trên nhu cầu duy trì của hệ sinh thái toàn cầu. Các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức và Pháp đã sử dụng tài sản trí tuệ xanh để bảo vệ công nghệ xanh.
Sáng chế xanh có mối quan hệ với sự phát triển của năng lượng xanh. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy có mối tương quan tích cực giữa giá năng lượng, bằng sáng chế xanh và mức giảm tiêu thụ năng lượng. Năng lượng xanh được nhiều quốc gia quan tâm trong các thập kỉ trở lại đây bởi tính tự nhiên bổ sung theo thời gian, tạo ra lượng khí nhà kính tương đối thấp. Những kết quả cũng chứng minh tác động của năng lượng xanh và đầu tư xanh đối với đổi mới công nghệ xanh là tích cực, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trong dài hạn. Hay tăng trưởng kinh tế và thuế môi trường có tác động tích cực đối với đổi mới công nghệ xanh.
Bên cạnh đó, tác động tích cực đến hoạt động cấp bằng sáng chế tăng lên đáng kể theo thời gian khi gia tăng thời lượng của các chương trình hỗ trợ năng lượng tái tạo và mục tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) được thực hiện đối với công nghệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Vì thế, nhiều sáng chế liên quan đến những dự án công nghệ điện gió và mặt trời lần lượt ra đời. Để thực hiện hóa vấn đề này, các quốc gia ASEAN có sự cam kết trong việc loại bỏ dần những nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, đồng thời tích cực thúc đẩy phát triển công nghệ quang điện (PV) điện gió và mặt trời.
Số lượng bằng sáng chế xanh là một trong những chỉ tiêu về năng suất môi trường và tài nguyên. Tính đến đầu năm 2023, nhiều quốc gia ASEAN đã và đang dẫn đầu về tăng trưởng đăng ký bằng sáng chế toàn cầu và liên tục tăng tỷ lệ tương đối về bằng sáng chế xanh những năm gần đây. Trong số các tổ chức GREEN100 trên toàn thế giới, số lượng hồ sơ bằng sáng chế từ ngành năng lượng là cao nhất, chiếm hơn 25% số hồ sơ đăng ký nộp về.
Tuy nhiên, có một thực tế khi hầu hết các quốc gia đang phát triển tại ASEAN chưa thể khai thác lợi ích của công nghệ xanh do chi phí đổi mới cũng như thiếu khả năng tiếp cận.
(Bài tiếp: Pháp luật về bảo hộ sáng chế tại ASEAN)
Có thể bạn quan tâm
02:30, 18/03/2023
03:20, 04/12/2022
17:36, 01/12/2022
03:30, 25/01/2023
03:00, 04/11/2022
03:00, 07/10/2022