Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Cứng nhắc trong quy định chuyển nhượng thầu
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, quy định về hành vi chuyển nhượng thầu còn cứng nhắc, dễ dẫn đến khó khăn cho các chủ thể trong quá trình thực hiện…
>> Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Kỳ vọng sẽ khắc phục được những điểm chồng chéo
Lĩnh vực xây dựng và bất động sản được cho đóng góp khoảng 12% trong GDP của cả nước. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành này kỳ vọng, Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ khắc phục được những điểm chồng chéo, tăng tính thống nhất với các luật liên quan, tạo động lực tăng trưởng cho ngành trong thời gian tới.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về hành vi chuyển nhượng thầu còn cứng nhắc, dễ dẫn đến khó khăn cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.
Theo ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vinaconex, các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, trong đó, vấn đề chuyển nhượng thầu khiến doanh nghiệp đau đầu.
Cụ thể, ông Hải phân tích, pháp luật xây dựng và pháp luật đấu thầu đều quy định thống nhất, cho phép nhà thầu chính được ký hợp đồng với nhà thầu phụ để thực hiện một hoặc một số công việc thuộc gói thầu (không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện).
Trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) các hành vi bị cấm trong đấu thầu được quy định rất chặt, bao gồm cả các hành vi chuyển nhượng thầu. Theo đó, ngay từ bước dự thầu, nhà thầu đã phải xác định rõ giá trị tối đa, phạm vi công việc dự kiến sử dụng nhà thầu phụ. Song thực tiễn đối với các dự án đầu tư xây dựng trong ngành giao thông vận tải, các gói thầu xây lắp thường có thời gian thi công dài, quá trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết, giá cả thị trường, tình hình hoạt động của các nhà thầu thực hiện gói thầu.
Tại thời điểm tham dự thầu, nhà thầu chưa thể dự kiến hết phần công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ để đưa ra danh sách các nhà thầu phụ. Hoặc, trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ sớm đưa công trình vào khai thác. Khi đó, có thể cần phải bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách hoặc bổ sung phần công việc cho nhà thầu phụ ngoài phạm vi công việc, vượt giá trị tối đa công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng.
“Vì vậy, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện”, ông Hải nhấn mạnh.
>> Sửa Luật Đấu thầu: Cần tăng cường tính công khai, minh bạch
Để việc thực hiện pháp luật đấu thầu vừa chặt chẽ, nhưng cũng phù hợp với thực tiễn, đại diện Vinaconex đề nghị, xem xét nghiên cứu, sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu.
Đồng thời, bổ sung quy định cho phép các Tập đoàn, Công ty mẹ được phép giao cho Công ty con thực hiện một hoặc một số công việc của gói thầu. Trường hợp cần thiết, có thể bổ sung quy định Tập đoàn, Công ty mẹ phải duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối cho đến khi hoàn thành gói thầu.
Còn theo ông Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), vấn đề chuyển nhượng thầu và khái niệm bán thầu không rõ ràng.
Theo ông Cận, chuyển nhượng thầu là hành vi bị cấm trong đấu thầu (khoản 8 Điều 16), hành vi chuyển nhượng thầu có thể xem là hành vi bán thầu, nhưng nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn giữa nhà thầu phụ với chuyển nhượng thầu.
“Thực tế, trong quá trình thực hiện gói thầu xuất hiện nhiều yếu tố mà nhà thầu không thể lường trước được, vì vậy, luật có thể cho áp dụng hình thức nhà thầu phụ ngoài danh mục nhà thầu phụ đã đăng ký ở giai đoạn đấu thầu hoặc hình thức nhà thầu phụ của nhà thầu phụ được chủ đầu tư và tư vấn giám sát chấp thuận một phần khối lượng đã nhận thầu để tránh tình trạng tổng thầu hay nhà thầu chính giao thầu không đúng luật”, ông Cận bày tỏ.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch thường trực VACC cũng nhận định, giá Hợp đồng trọn gói theo quy định hiện nay đang gây nhiều bất lợi cho nhà thầu.
Cụ thể, theo quy định “Giá dự thầu phải bao gồm tất cả các chi phí cho các yếu tố rủi ro về khối lượng công việc và trượt giá có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng tương ứng với trách nhiệm của nhà thầu trong việc thực hiện gói thầu”.
Ông cho rằng, đây là quy định tính toán giá gói thầu để xét thầu, tuy nhiên, chưa phải quy định các yếu tố đưa vào giá gói thầu trong hợp đồng để bên mua và bên bán ký kết thực hiện theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”. Bởi, thực tế trong quá trình thi công xuất hiện có nhiều yếu tố rủi ro được xem là bất khả kháng. Những rủi ro như giá vật liệu tăng đột biến 30-40%, dịch bệnh COVID-19, lũ lụt xảy ra thời gian vừa qua.
Từ đó, Phó Chủ tịch thường trực VACC kiến nghị, những đột biến như trên phải được coi là bất khả kháng, điều này cần phải được điều chỉnh hợp đồng cho nhà thầu…
Được biết, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 - 6/2023).
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Kỳ vọng sẽ khắc phục được những điểm chồng chéo
17:40, 13/04/2023
Đề xuất trích tiền trúng đấu giá, đấu thầu vào "Quỹ phát triển đất"
14:34, 22/03/2023
Kỳ vọng việc sửa quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập
00:06, 18/03/2023
Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi): Được đàm phán giá khi mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế
13:49, 15/03/2023
Đấu thầu trực tuyến bất cập, vì sao?
04:50, 12/03/2023