Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Sớm triển khai thuế tối thiểu nội địa
Trước sức “nóng” ngày càng tăng từ việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, theo các chuyên gia, cần nghiên cứu, triển khai sớm thuế tối thiểu nội địa để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung...
>> Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Cần xây dựng chính sách ưu đãi phù hợp
Theo đó, chỉ còn hơn 8 tháng nữa, quy định thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được thực thi tại một số quốc gia, kéo theo đó, các ưu đãi thuế sẽ không hoàn toàn là lợi thế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai sớm thuế tối thiểu nội địa (QDMTT) để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung, đồng thời, giữ được sự cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Thông tin với báo chí, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, cần bổ sung quy định về cơ chế QDMTT. Bởi, theo quy tắc chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE), các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hợp nhất 750 triệu EUR trở lên phải chịu mức thuế suất thực tế 15% tại nơi hoạt động. Theo đó, các quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư - nơi tạo ra nguồn thu nhập được quyền ưu tiên thu thuế bằng cách áp dụng QDMTT. Trong trường hợp thu nhập gộp của các tập đoàn này tại một quốc gia có mức thuế suất thực tế thấp hơn 15% thì quy tắc GloBE cho phép các quốc gia có công ty con được quyền thu thuế bổ sung đối với phần chênh lệch.
Vì vậy, để đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam đối với các tập đoàn đa quốc gia đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam mà có mức thuế suất thực tế tối thiểu dưới 15%, Việt Nam cần có quy định về cơ chế QDMTT theo nguyên tắc GloBE đối với các tập đoàn là đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu.
>> Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Như Quỳnh cũng khuyến nghị, cần rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế nhằm tiếp tục thu hút FDI vào Việt Nam. Chính sách ưu đãi thuế tuy không phải là yếu tố quan trọng nhất nhưng cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Việc hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cần xác định mục tiêu rõ ràng là không chỉ nhằm phù hợp với việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu mà còn nhằm thiết kế lại các chính sách ưu đãi thuế một cách đồng bộ với các chính sách khác ngoài thuế nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư. Đồng thời, cần rà soát, chỉnh sửa các quy định của Luật Đầu tư liên quan đến hình thức ưu đãi đầu tư, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư”, TS. Nguyễn Như Quỳnh lưu ý.
Còn theo Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng là 20%, thuế suất ưu đãi dưới 15% gồm 5%, 10%, thời gian giảm, miễn thuế đối với dự án ưu đãi cao từ 10 năm trở lên. Do đó, nếu Việt Nam chậm áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu thì các doanh nghiệp FDI sẽ phải nộp phần chênh lệch cho nước đặt trụ sở chính của công ty. Theo đó, Nhà nước không chỉ mất đi một khoản thu ngân sách khá lớn, mà còn có thể tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.
“Do đó, cần nghiên cứu các văn bản của G7, G20, OECD có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tham khảo quy định của một số nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thành viên ASEAN, từ đó chọn lọc những nội dung phù hợp với nước ta để sử dụng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”, GS Nguyễn Mại khuyến nghị.
Liên quan tới vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, trên cơ sở Báo cáo đánh giá tác động sơ bộ, đề xuất của Tổ công tác đặc biệt, Chính phủ sớm có phương án đề xuất chính sách thuế, giải pháp phù hợp. Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này với những bước đi chủ động, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ một phần cho các đối tượng chịu tác động, và quan trọng hơn là cần coi đây là cơ hội để tiếp tục cải cách thuế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó mới thực sự là động lực, là giải pháp căn cơ, bền vững.
Được biết trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 10/4), Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ cũng đã tỏ ra rất sốt ruột, khi đến giờ này, chưa có các đề xuất liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.
“Vấn đề rất cấp bách, bởi ngày 01/01/2024 bắt đầu phải áp dụng rồi, hoặc chậm lắm là kỳ tính thuế đầu tiên là vào quý I năm sau. Nếu không làm tức là chúng ta từ bỏ quyền đánh thuế bổ sung và toàn bộ năng lực cạnh tranh và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài sẽ bị tác động rất nặng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ, không phải đến “giờ G” mới trình một Nghị quyết thí điểm, bởi nếu vậy chỉ là xử lý cái ngọn, chỉ điều chỉnh được những gì tác động đến các công ty đa quốc gia có doanh thu 750 triệu EUR trở lên, mà không xử lý được cái gốc, là rà soát, sửa đổi lại các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, về ưu đãi đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Cần xây dựng chính sách ưu đãi phù hợp
03:30, 23/04/2023
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp
04:00, 22/04/2023
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu
13:47, 21/04/2023
Làm gì để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài khi áp thuế tối thiểu toàn cầu?
11:00, 20/04/2023
Việt Nam ứng phó thế nào với thuế tối thiểu toàn cầu?
04:15, 20/04/2023