Cần hành lang pháp lý riêng cho tài chính tiêu dùng trong thu hồi nợ
Trước những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác thu hồi nợ, khi nợ xấu có xu hướng tăng thời gian qua, theo chuyên gia, cần một hành lang pháp lý riêng cho tài chính tiêu dùng…
>> Dư nợ các công ty tài chính tiêu dùng tăng mạnh năm 2022
Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng, có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ về mảng tài chính tiêu dùng, khi mà giao dịch thương mại không dùng tiền mặt đang ngày một phát triển. Kéo theo đó là dư nợ cho vay tiêu dùng cũng liên tục tăng trưởng.
Tính đến ngày 30/9/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng thì dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Các số liệu này cho thấy, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam cũng có một bước nhảy vọt về số lượng tổ chức cũng như mức độ đa dạng về sản phẩm cho vay tiêu dùng và quy mô dư nợ. Tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân 10 năm 2010 - 2020 (33,7%) luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế (17,3%).
Đáng nói, dù được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép và ngoài tuân thủ Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các công ty tài chính còn phải tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng, các giới hạn đảm bảo an toàn hoạt động và các quy định khác của NHNN.
>>Lần thứ 2 liên tiếp, VietCredit vinh danh Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam VIR500 2022
Thế nhưng trên thực tế, người dân khó có thể biết công ty nào được NHNN cấp phép và việc một số công ty không thuộc các công ty tài chính được NHNN cấp phép lợi dụng tên công ty tài chính mở rộng mạng lưới vào các địa bàn khó khăn tiếp cận người dân cho vay vốn lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức (cho vay nhanh, cho vay tiền mặt vào bất cứ thời điểm nào, chào lãi suất vay rất hấp dẫn nhưng cài cắm các chi phí khác rất cao…). Đặc biệt, việc một số công ty dùng thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các công ty tài chính, dẫn đến hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn.
Cho vay đã khó, việc thu hồi nợ của các công ty tài chính càng khó hơn khi Luật Đầu tư 2020 cấm dịch vụ đòi nợ thuê, trong khi cơ chế khởi kiện đòi nợ hiện khó thực thi vì thủ tục phức tạp, kéo dài, trong khi giá trị mỗi khoản vay không lớn… từ đó dẫn đến, nợ xấu của các công ty tài chính được NHNN cấp phép tăng, và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới (tính đến 31/12/2022, nợ xấu của các công ty tài chính đã tăng 23,09% so với thời điểm 31/12/2021).
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nếu doanh nghiệp làm sai, vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, hiện nay đã có tình trạng những người vay tạo nhóm bùng nợ trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.
Hậu quả là các công ty tài chính tiêu dùng không đòi được nợ và phải chịu áp lực từ nợ xấu, khó đòi. Trong khi đó, hành động việc vay là phải trả là một nguyên tắc rõ ràng ai cũng hiểu và hành động cố tình gây khó khăn khi thu hồi nợ là không thể chấp nhận.
Tổng thư ký VNBA cũng nhận định, hiện đang có khoảng trống trong quy định pháp luật để các công ty tài chính thu hồi nợ khi người vay không có ý thức trả nợ, vấn đề gốc nằm ở Bộ luật Dân sự và một số văn bản quy định pháp luật liên quan. Các văn bản pháp luật hiện hành quy định về quyền lợi, nghĩa vụ giữa người vay và người cho vay cũng chưa chặt chẽ, bình đẳng, khiến nhiều người dân không có ý thức trách nhiệm về nghĩa vụ trả nợ dẫn tới tình trạng nợ xấu công ty tài chính tăng cao.
“Việc xem xét sửa Bộ luật Dân sự để có sự đồng bộ với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42/2017/QH14 cần đặt trách nhiệm của người vay lên hàng đầu. Trách nhiệm của người vay vốn là phải trả nợ, nếu không trả thì phải xử lý với những chế tài thực sự khả thi, có hiệu quả đảm bảo quyền lợi cho các quan hệ dân sự”, Tổng thư ký VNBA bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, việc vay không trả bản chất là vi phạm pháp luật, vi phạm cam kết thỏa thuận vay và nghĩa vụ phải trả nợ theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trong mối quan hệ vay và cho vay, phải xác định cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ việc thực thi pháp luật trên thực tế. Có nghĩa là người đi vay phải thực hiện được khả năng trả nợ của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Xoay quanh những vấn đề đã nêu, chia sẻ tại một Tọa đàm mới đây, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 5 này.
Theo ông Hiếu, Chính phủ đã nhận thức rất sâu sắc Chiến lược tài chính toàn diện khi thiết kế Chiến lược phát triển tài chính toàn diện tầm nhìn đến 2025 và định hướng đến 2030 với nhiệm vụ chính là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay.
“Vấn đề lớn nhất hiện nay là thi hành như thế nào? Có 3 vấn đề nổi lên: Một là thiếu khung pháp lý; Hai là thực thi (nếu thực thi có hiệu quả quy định hiện hành đã giải quyết được phần lớn hiện trạng); Và ba là sự công bằng - một môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả cho các chủ thể khác nhau (Tổ chức tín dụng, công ty tài chính và các tổ chức khác)…”, ông Hiếu chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Dư nợ các công ty tài chính tiêu dùng tăng mạnh năm 2022
14:00, 21/02/2023
HD SAISON - Dịch vụ tài chính tiêu dùng được tin dùng
13:32, 08/12/2022
Công ty tài chính tiêu dùng và nỗi uẩn ức sau những lần “tai bay vạ gió”
12:52, 17/11/2022
HD SAISON – Thương hiệu tài chính tiêu dùng giúp nâng tầm cuộc sống
04:50, 06/09/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng
19:10, 19/11/2021