Thông tư 03/2023/TT-NHNN: Có giải cứu được trái phiếu doanh nghiệp?

GIA NGUYỄN 06/05/2023 03:00

Mặc dù được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên, theo chuyên gia, Thông tư 03/2023/TT-NHNN vẫn khó giải cứu được…

>> Cho phép ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp: Mở nhưng chặt

Theo đó mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Lý giải về việc ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, đánh giá về tác động của Thông tư này, Công ty chứng khoán SSI cho biết, Thông tư này chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề có thể phát sinh từ các trái chủ nhỏ lẻ hoặc để giải quyết vấn đề liên quan đến việc phân phối trái phiếu qua kênh ngân hàng.

Dù được kỳ vọng nhưng Thông tư 03/2023/TT-NHNN được cho vẫn khó giải cứu được thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Dù mang nhiều kỳ vọng nhưng Thông tư 03/2023/TT-NHNN được cho vẫn khó giải cứu được thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Theo Công ty chứng khoán SSI, với việc cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu trước đây đã bán, một phần rủi ro tín dụng sẽ được quay lại bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, sau đó có thể được giải quyết thông qua các phương án đàm phán, cơ cấu lại thời hạn theo quy định mới của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Tuy nhiên, thực tế áp dụng là rất khác nhau tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên tiêu chí trong Thông tư 16/2021/TT-NHNN là không cho phép ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp nếu phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp đó để đảm bảo an toàn, ổn định cho toàn hệ thống. Do đó, khó có thể trông chờ vào việc ngân hàng giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ thông qua việc cho phép họ mua lại trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng.

>>Chính thức cơ cấu lại nợ, thời gian triển khai tới hết 30/6/2024

Một số ý kiến cũng cho rằng, khó có thể trông chờ vào việc ngân hàng giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ thông qua việc cho phép họ mua lại trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng - Ảnh minh họa: ITN

Đáng nói, khó có thể trông chờ vào việc ngân hàng giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ thông qua việc cho phép họ mua lại trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng - Ảnh minh họa: ITN

Không chỉ có Công ty chứng khoán SSI, các chuyên gia kinh tế tại Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu (chưa tới 2% tính đến cuối quý I/2023) và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa.

Bên cạnh đó, việc cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ giúp tăng cầu trái phiếu, có lợi cho các nhà băng có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cao như Techcombank, MBBank (9% tổng tín dụng), VPBank (8% tổng tín dụng).

Đáng nói, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN được ban hành chỉ có một điều khoản nới lỏng là các ngân hàng được phép mua lại trái phiếu mà ngân hàng đã bán trước đây nhưng có điều kiện kèm theo là doanh nghiệp được tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp phải thanh toán toàn bộ số tiền tại thời điểm mà tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu trước đó. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín dụng ở mức cao nhất theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi bắt đầu mua lại trái phiếu.

Trong khi đó theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN được ban hành kịp thời ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 và Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023.

Mục đích của 2 chính sách này là nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về nợ cơ cấu lại và trái phiếu doanh nghiệp, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi, tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, qua đó hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023 và tiếp theo trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và nền kinh tế.

Được biết, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp ước tính trong năm 2023 rơi vào khoảng hơn 232.600 tỷ đồng, tăng 51,6% so với 2022. Riêng quý II, sẽ có hơn 70.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, cao hơn 127% so với quý I, cho thấy áp lực đáo hạn sẽ bắt đầu tăng mạnh trong quý II/2023. Trong đó, bất động sản vẫn là nhóm có tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 39,9% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Đứng thứ 2 là nhóm tài chính – ngân hàng với tỉ lệ chiếm 37,1% tổng giá trị đáo hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Cho phép ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp: Mở nhưng chặt

    Cho phép ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp: Mở nhưng chặt

    00:02, 26/04/2023

  • Tái cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

    Tái cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

    05:10, 23/04/2023

  • Giảm thiểu rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản

    Giảm thiểu rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản

    12:35, 22/04/2023

  • Gỡ khó bất động sản, hoá giải nút thắt trái phiếu doanh nghiệp

    Gỡ khó bất động sản, hoá giải nút thắt trái phiếu doanh nghiệp

    17:00, 14/04/2023

  • Ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại danh mục trái phiếu doanh nghiệp

    Ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại danh mục trái phiếu doanh nghiệp

    11:30, 09/04/2023

GIA NGUYỄN