Sửa Luật Hợp tác xã: Động lực thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể
Trước hàng loạt các điểm nghẽn, tồn tại của Luật hiện hành, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đem đến nhiều kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể nếu được thông qua...
>> Sửa Luật Hợp tác xã: Cần bình đẳng giữa các thành phần kinh tế
Theo đó, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần 1 về tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV vào tháng 11/2022 và dự kiến thông qua vào đợt 2, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Với nhiều sửa đổi mang tính đột phá, tiệm cận với sự phát triển từ thực tế, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nếu được thông qua kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới của đất nước, bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cụ thể, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã kế thừa tối đa các quy định của Luật Hợp tác xã hiện hành, tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới. Đồng thời, xây dựng được một Luật chung thống nhất cho các đối tượng trong khu vực kinh tế tập thể, lấy đối tượng hợp tác xã là trung tâm, đối xử bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường.
Trong đó, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã xây dựng quy định mở rộng đối tượng tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác, bao gồm thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết để huy động tối đa nguồn vốn, trí tuệ, sức lao động của các thành viên tham gia, đồng thời, mở rộng thị trường vốn riêng có của các tổ chức kinh tế hợp tác. Nội dung này cũng đã thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo mà Trung ương vừa ban hành tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Đồng thời, cắt giảm các thủ tục đăng ký; bỏ phương án sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, như: Đăng ký trực tuyến, sử dụng mã số định danh cá nhân, chữ ký số; Giảm số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập hợp tác xã xuống 5 thành viên, liên hiệp hợp tác xã xuống 3 thành viên; Bổ sung thành viên liên kết là cá nhân từ 15 tuổi trở lên, đại diện hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tham gia góp vốn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, chế biến, cung cấp và tiêu thụ dịch vụ, sản phẩm…
>>Ngày 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Thực tế cho thấy, hợp tác xã là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 4% GDP, hoạt động của hợp tác xã tác động trực tiếp đến khoảng 7 triệu thành viên và đời sống của hàng chục triệu người, vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, nếu Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được thông qua sẽ không chỉ làm tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành viên, của bản thân hợp tác xã, mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Đánh giá về Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) trước đó cho rằng, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã tăng tính linh hoạt của khu vực hợp tác xã như việc gia nhập thị trường thuận tiện hơn, được ưu đãi chính sách rõ ràng hơn, đặc biệt chính sách thuế, cơ chế tổ chức và hoạt động chi tiết hơn… Tuy nhiên, cần phòng tránh, ngăn chặn khuynh hướng lợi dụng chính sách ưu đãi cho khu vực kinh tế tập thể hợp tác xã để trục lợi…
Không chỉ nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia, dù còn một số nội dung cần được xem xét, cân nhắc, nhưng Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cũng nhận được đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với bố cục Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữa hai đợt của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ đánh giá cao Dự án Luật (sửa đổi) trong suốt quá trình trình, thẩm tra được chuẩn bị và tiến hành công phu, kỹ lưỡng; có bản so sánh chi tiết Dự thảo luật sửa đổi qua từng giai đoạn thảo luận, cho ý kiến. Cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng như nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tính tới thời điểm này, các vấn đề lớn tại nội dung Dự thảo Luật đã nhận được sự đồng thuận cao. Đồng thời, những nội dung cần tiếp thu, giải trình cũng đã có lập luận, phản biện đầy đủ, xác đáng, được tiến hành nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch.
“Quy định phải đảm bảo thể hiện đúng bản chất của hợp tác xã, rà soát quy định về điều khoản chuyển tiếp, đảm bảo quy định chặt chẽ; một số từ ngữ, cách thức trình bày đảm bảo văn phong, kỹ thuật lập pháp để Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua đạt chất lượng và sự đồng thuận cao…”, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ lưu ý.
Được biết, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV gồm 12 Chương, 115 Điều, tăng 4 Điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển đổi số “mở đường” kinh tế hợp tác, hợp tác xã
01:00, 05/06/2023
WinCommerce ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Nghệ An
16:52, 31/05/2023
Sơn Hà SHE và VinES hợp tác xanh hóa lĩnh vực giao thông.
20:39, 27/04/2023
Sửa Luật Hợp tác xã: Cần bình đẳng giữa các thành phần kinh tế
11:00, 05/04/2023
Nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho Hợp tác xã nông nghiệp
10:11, 05/04/2023