Nới lỏng chính sách thị thực: “Cú hích” cho ngành du lịch Việt
Trước hàng loạt các rào cản, nút thắt đã và đang tồn tại, việc chính sách thị thực mới được Quốc hội thông qua kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong thời gian tới…
>> Sửa Luật về xuất – nhập cảnh: Tạo đà cho du lịch phát triển
Chính sách thị thực được Quốc hội thông qua, nâng thời hạn thị thực điện tử cho khách quốc tế lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; tăng thời hạn miễn thị thực lên 45 ngày. Việc nới lỏng chính sách thị thực có thể được xem là làn gió mới thổi vào thị trường khách quốc tế đang trầm lắng.
Thực tế, theo Báo cáo “Triển vọng du lịch Việt Nam 2023”, hiện tỷ lệ du lịch quốc tế phục hồi chỉ bằng 23% năm 2019, thấp hơn tỷ lệ phục hồi trung bình của thế giới là 55%.
Đáng nói, năm 2022, khi mở cửa sau dịch thì Việt Nam vẫn kiên trì một chính sách nên dù mở cửa sớm nhưng kết thúc năm kết quả thu hút khách du lịch lại “về muộn”, khi mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch nhưng không đạt. Trong khi các nước xung quanh đạt kế hoạch và vượt kế hoạch rất cao và sớm.
Qua đánh giá của nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam, một trong những điều kiện để họ đạt kế hoạch sớm là do chính sách thị thực rất linh hoạt. Nước nào cũng có luật xuất nhập cảnh, nhiều nước quy định của họ còn rất khắt khe nhưng tùy mục đích, mục tiêu trong từng giai đoạn thì lại có chính sách điều chỉnh và áp dụng chính sách đó một cách mềm dẻo.
Có thể kể đến như Thái Lan, họ áp dụng miễn thị thực 30 ngày, sau đó đến 60 ngày, rồi 90 ngày và bây giờ là 108 ngày; Indonesia cũng đã nâng lên thời gian miễn thị thực đến 180 ngày đối với những người có 100.000 USD; Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản hay cả Mỹ cũng linh hoạt nới lỏng chính sách về thị thực.
Trước thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc nới lỏng chính sách thị thực vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp Việt Nam kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách, khắc phục hạn chế của du lịch Việt Nam đã và đang tồn tại trước đó. Không chỉ có vậy, chính sách này còn được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thiết kế những sản phẩm cho dòng khách chi trả cao với thời gian lưu trú từ 3 tuần trở lên.
>> Sửa Luật về xuất nhập cảnh: Chính sách cần phù hợp với thông lệ chung
Đặc biệt, việc chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2023, là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá tới các thị trường mục tiêu ngay trong mùa cao điểm Thu Đông năm nay. Việc cải thiện chính sách thị thực không chỉ cho thấy Việt Nam thích ứng, linh hoạt trong cuộc đua phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, mà còn là nền tảng để các doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững, bình đẳng với các nước trong khu vực.
Theo ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), chính sách mới mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các công ty lữ hành. Thủ tục đơn giản, thuận tiện, người nước ngoài không phải đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, không phải làm thủ tục đề nghị cấp thị thực qua khâu trung gian.
Bên cạnh đó, việc cấp thị thực điện tử được thực hiện qua xét duyệt trước nên so với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử sẽ giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sàng lọc nhóm người chưa đủ điều kiện nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý. Việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày làm nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến Việt Nam trong thu hút du khách, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng.
Đồng quan điểm với Trưởng ban Thư ký TAB, nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng, đây sẽ là “cú hích” giúp ngành du lịch phát triển, tăng số lượng khách quốc tế đến Viêt Nam, phát triển kinh tế du lịch.
Thông tin với báo chí, bà Phạm Phương Anh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt cho biết, đây là thông tin tích cực có ý nghĩa quan trọng và sự thay đổi này mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho các công ty lữ hành và ngành du lịch nói chung. Chúng tôi kỳ vọng chính sách thị thực nhập cảnh mới có thể tác động làm tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của công ty từ 5 - 25% mỗi năm.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng đánh giá, chính sách mới mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt thời gian áp dụng ngay trong tháng 8/2023 là mùa thấp điểm khách quốc tế đến Việt Nam nên doanh nghiệp có nhiều thời gian chuẩn bị các chương trình, kế hoạch để kéo dài thời gian lưu trú cũng như sự lựa chọn của du khách quốc tế.
“Nếu như trước đây khách quốc tế có 2-3 tuần để đi thăm các nước Đông Nam Á, trong đó có Lào, Campuchia, Việt Nam thì các doanh nghiệp rất khó trong việc sắp xếp thời gian cho du khách. Với chính sách dài ngày, du khách có thể ở lại Việt Nam nhiều hơn, đi từ Bắc vào Nam hay đi các vùng khác như Đông Bắc, Tây Bắc chứ không như trước đây. Ngoài ra, các chính sách giảm giá, trọn gói của doanh nghiệp sẽ giúp khách trải nghiệm trọn vẹn Việt Nam, nâng mức chi tiêu tại Việt Nam nhiều hơn”, đại diện một doanh nghiệp bày tỏ.
Được biết, sáng 24/6, với 470/475 đại biểu có mặt đồng ý (95,14%), Quốc hội thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa. Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật về xuất – nhập cảnh: Tạo đà cho du lịch phát triển
04:00, 24/06/2023
Bài toán hút khách quốc tế cho du lịch Việt
03:00, 24/06/2023
Kỳ vọng mùa hè sôi động cho du lịch Quảng Nam
02:00, 24/06/2023
Vì sao Hà Nội là điểm đến hàng đầu thế giới cho du lịch một mình?
12:20, 23/06/2023
Quảng Nam: Nhiều chương trình khuyến mãi cho mùa cao điểm du lịch
02:00, 23/06/2023