Ngăn chặn rút BHXH một lần: Nên quy định rút một phần không quá 50%
Trước hiện trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần ngày một gia tăng, đe dọa hệ thống an sinh, chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn nên quy định rút một phần không quá 50%...
>> Ngăn chặn rút BHXH một lần: Thế chấp “sổ BHXH” để vay ngân hàng có khả thi?
Thống kê cho thấy, số người rút BHXH một lần đã tăng liên tục kể từ 2016, nhưng vài năm trở lại đây đang tăng nhiều và nhanh hơn. Từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số người rút BHXH một lần đã vượt số người tham gia đóng BHXH. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2022, khoảng 4,84 triệu người đã rút BHXH một lần, tuy nhiên, chỉ 1,24 triệu người quay trở lại đóng BHXH…
Lý giải cho hiện trạng này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ ra 2 nguyên nhân quan trọng nhất. Đầu tiên là nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất dẫn đến phải cắt giảm lao động do tác động của dịch COVID-19 từ năm 2020. Thứ hai, đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều nên khi mất việc làm phải đối mặt với các khoản chi tiêu trước mắt. Họ, đặc biệt là lao động trẻ, nghĩ ngay tới rút BHXH một lần…
Việc người lao động ồ ạt rút BHXH một lần thời gian qua tiềm ẩn không ít hệ lụy, đe dọa nghiêm trọng đến vấn đề an sinh xã hội về lâu dài. Từ đó, không ít ý kiến cho rằng, cần sớm có giải pháp để có thể ngăn chặn hiện trạng đã nêu.
Thực tế, để hạn chế người lao động rút BHXH một lần, tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất giải pháp giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu.
>> Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần
Đặc biệt, tại Dự thảo Luật (sửa đổi), cơ quan này cũng đề xuất cho phép rút 50% BHXH một lần nhằm giúp người lao động vượt qua được khó khăn trước mắt nhưng vẫn đảm bảo an sinh khi về hưu… Cụ thể, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án về điều kiện rút BHXH một lần gồm: Phương án 1, giữ nguyên như hiện hành; Phương án 2, chỉ giải quyết 50% tổng thời gian đóng và phần còn lại bảo lưu trong hệ thống để sau này lao động hưởng chế độ.
Đánh giá về đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, nên chọn phương án 2 vì đây là giải pháp phù hợp, rất tốt cho người lao động, bởi việc rút BHXH một lần có thể vẫn không đủ nguồn lực để trang trải cuộc sống và tạo mở việc làm của gia đình người lao động.
Xoay quanh vấn đề này, thông tin với báo chí, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận, để đảm bảo chính sách an sinh thì không nên cho người lao động rút một lần. Tuy nhiên, vì hiện nay người lao động đang khó khăn, do vậy chỉ nên quy định rút một phần không quá 50%, phần còn lại để hướng người lao động tái tham gia BHXH, từ đó có thể hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Theo bà Hương, để bảo vệ quyền lợi người lao động, cơ quan BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng cho người lao động. Theo đó, số năm đóng vẫn được giữ nguyên và mức hưởng sau này dựa trên số tiền đóng thực tế.
“Công thức hưởng chế độ hưu trí từ BHXH dựa trên mức đóng và số năm đóng. Do vậy, BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng để tạo điều kiện cho người lao động đảm bảo thời gian hưởng lương hưu…”, bà Hương bày tỏ.
Đồng quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng đánh giá, phương án đề xuất cho phép rút 50% BHXH một lần là giúp người lao động vượt qua được khó khăn trước mắt nhưng vẫn đảm bảo an sinh khi về hưu, tuy nhiên, cần giải thích làm rõ ưu, nhược để người dân đồng thuận.
Bên cạnh những ý kiến đã nêu, trước đó, để hỗ trợ người lao động, đồng thời giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần, nhiều ý kiến cũng đề xuất nghiên cứu, cho người lao động sử dụng sổ BHXH để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh.
Cho ý kiến về đề xuất này, mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, góp ý này rất xác đáng, phù hợp cả quan điểm của Ban soạn thảo cũng như bối cảnh thực tiễn hiện nay. Đây là nội dung liên quan đến chính sách tài chính, tín dụng nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do bị ngừng việc, mất việc. Do vậy, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng, cho vay phù hợp nhằm hỗ trợ người lao động trong bối cảnh bị ngừng việc, mất việc; nhằm phòng, ngừa tín dụng đen, nhất là tín dụng đen trong công nhân, người lao động.
Được biết, vừa qua, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng hạn chế và sớm chấm dứt tình trạng rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động.
Có thể bạn quan tâm
Ngăn chặn rút BHXH một lần: Thế chấp “sổ BHXH” để vay ngân hàng có khả thi?
04:00, 13/06/2023
Chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc: Cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý cho phù hợp
19:53, 06/06/2023
Xử lý nghiêm các hành vi trục lợi quỹ BHXH, BHYT
03:40, 05/06/2023
Chưa ngăn chặn được triệt để việc bán khống giấy nghỉ bệnh trục lợi BHXH
06:41, 04/06/2023
Còn nhiều băn khoăn về phương án tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH
12:00, 08/05/2023