Xoay quanh nội dung đề xuất tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), không ít ý kiến còn tỏ ý băn khoăn về phương án tính tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)...
>> Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn việc giảm năm đóng BHXH
Theo đó, 8 hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi tới Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi).
Tại văn bản góp ý, các hiệp hội, ngành hàng cho rằng, giữ tỷ lệ đóng quỹ hưu trí và tử tuất như quy định hiện hành là quá cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tổng cộng phần đóng này là 25% tiền lương, trong đó người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17% tiền lương tháng. Trong khi, tỷ lệ đóng vào quỹ này của các nước trong khu vực thấp hơn, như Malaysia là 13% trên lương, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%, Myanmar 2%...
Bên cạnh đó, về phương án tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án:
Phương án 1, giữ theo quy định hiện hành: tiền lương tính đóng BHXH gồm tiền lương tháng, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể.
Phương án 2, tiền lương tính đóng BHXH gồm lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định (trừ tiền thưởng, các hỗ trợ ngoài công việc).
>> Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần nghiên cứu kỹ lưỡng mức đóng BHXH
Theo các hiệp hội, ngành hàng, nếu chọn căn cứ tiền lương tính đóng BHXH theo phương án 1 sẽ bớt áp lực đóng cho người lao động và doanh nghiệp, nhưng làm mất đi tính đồng bộ của chính sách; chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Từ đó, khoảng cách thu nhập và căn cứ đóng cũng như lương hưu của người lao động sau này có cách biệt lớn.
Còn với phương án 2, về cơ bản bảo hiểm xã hội được đóng trên lương thực tế người lao động được nhận nhưng tỷ lệ đóng cao sẽ tạo áp lực lên doanh nghiệp, người lao động có thể bị giảm thu nhập.
Từ các phân tích đã nêu, các hiệp hội, ngành hàng đề xuất điều chỉnh cả 2 phương án và giảm tỷ lệ tính đóng BHXH. Phương án 1, giảm tỷ lệ tính đóng BHXH với người lao động từ 8% xuống 5% mức lương, tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động giảm từ 17% xuống 15% mức lương. Theo đó, tổng mức đóng bảo hiểm bằng 20% mức lương tháng (lương làm căn cứ đóng gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác như quy định hiện hành, tương đương 70% thu nhập thực tế của người lao động).
Phương án 2, là giảm tỷ lệ đóng BHXH xuống bằng 16% mức lương (người lao động đóng 4%, người sử dụng lao động đóng 12% trên mức lương), nhưng đóng trên thu nhập thực tế của người lao động, trừ một số khoản không có tính chất lương. Phương án này, phần đóng BHXH sẽ tính trên mức lương tương đương khoảng 90% thu nhập thực tế của người lao động.
“Lựa chọn 1 trong 2 phương án trên sẽ khắc phục được bất cập về tỷ lệ đóng và nền đóng BHXH hiện nay, nguồn thu BHXH sẽ không giảm, thu nhập khi đi làm và lương hưu của người lao động không chênh lệch quá lớn, không còn yếu tố chủ quan (thỏa thuận) nên sẽ cân đối giữa các doanh nghiệp hơn”, các hiệp hội, ngành hàng bày tỏ.
Không chỉ các hiệp hội, ngành hàng quan ngại về phương án tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, trước đó, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng cho rằng, trong trường hợp giữ nguyên quy định theo như phương án 1, doanh nghiệp và người lao động sẽ không phải chịu áp lực về chi phí “gia tăng đột biến”.
Còn điều chỉnh căn cứ tính đóng BHXH như phương án 2 sẽ làm gia tăng chi phí của cả người sử dụng lao động và người lao động mà chưa thực sự giải quyết được triệt để các nguyên nhân trực diện của tình trạng “chậm đóng, trốn đóng...”.
“Trong bối cảnh doanh nghiệp và người lao động đều đang hết sức khó khăn, quy định này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp và người lao động càng tìm cách trốn đóng BHXH, khiến chính sách khó đạt được mục tiêu kỳ vọng và ảnh hưởng tiêu cực đến độ bao phủ của BHXH nói riêng và chính sách BHXH nói chung”, Ban IV nhìn nhận.
Chính vì vậy, đơn vị này khuyến khích Ban soạn thảo Dự luật làm việc kỹ với các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia để đánh giá tính hợp lý, khả thi của các phương án đưa ra.
Theo Ban IV, cần tập trung nhiều vào phân tích phương án đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về căn cứ tính đóng BHXH (phương án 1 của Dự thảo Luật), kết hợp với xác lập các biện pháp quản lý hiệu quả khác nhằm đảm bảo các mục tiêu toàn diện của chính sách BHXH cũng như chính sách phát triển kinh tế và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề nghị Ban soạn thảo dự luật nghiên cứu, thể hiện rõ ràng các quy định liên quan tới các khoản phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng BHXH để tránh tình trạng khi Dự luật đi vào đời sống, cơ quan quản lý Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động có những cách hiểu khác nhau khiến việc chấp hành pháp luật về BHXH bị ảnh hưởng tiêu cực.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn việc giảm năm đóng BHXH
04:00, 02/05/2023
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần nghiên cứu kỹ lưỡng mức đóng BHXH
04:00, 01/05/2023
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn quy định về rút BHXH một lần
04:00, 30/04/2023
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần mang tính ổn định, đồng bộ
04:00, 29/04/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội
20:00, 25/04/2023