Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn quy định về rút BHXH một lần

Diendandoanhnghiep.vn Nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án xử lý, tuy nhiên, xoay quanh nội dung này vẫn còn đó không ít băn khoăn…

>> Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần mang tính ổn định, đồng bộ

Thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, giai đoạn 2016-2021, có 4,06 triệu người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, trong khi đó, có 4,2 triệu người tham gia mới BHXH. Như vậy, tỉ lệ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống. Bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%.

Đồng thời, thống kê cũng cho thấy, trong tổng số những người giải quyết BHXH một lần có gần 10% là những người có thời gian đóng BHXH đủ 10 năm trở lên.

Rút BHXH một lần là vấn đề vô cùng nhức nhối thời gian qua - Ảnh minh họa: ITN

Rút BHXH một lần là vấn đề vô cùng nhức nhối thời gian qua - Ảnh minh họa: ITN

Vì vậy, nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, đảm bảo an sinh lâu dài cho người lao động, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu ra hai phương án khi rút bảo hiểm xã hội một lần.

Cụ thể, theo Dự thảo Luật (sửa đổi), phương án 1, người lao động tham gia dưới 20 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được rút một lần. Người lao động được rút 100% quá trình đóng bảo hiểm xã hội nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.

Phương án 2, cho người lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Xoay quanh nội dung các phương án đề xuất đã nêu, không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn, đặc biệt là phương án 2, chỉ được rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ...

>> Phê duyệt Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội

Xoay quanh các phương án được đề xuất về BHXH một lần tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn - Ảnh minh họa: ITN

Xoay quanh các phương án được đề xuất về BHXH một lần tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn - Ảnh minh họa: ITN

Theo các chuyên gia, nếu cắt giảm 50% mức hưởng khi rút BHXH một lần sẽ là một chính sách khá sốc cho người lao động mà chưa chắc làm như vậy sẽ giảm được số người rút. Bởi, trên thực tế khi người lao động đã quá khó khăn thì cho dù có cắt giảm 50% đi nữa họ vẫn chấp nhận rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, ngoài chuyện cần tiền trang trải cuộc sống thì người lao động còn có tâm lý lo ngại đồng tiền mất giá và rút để nhận được đồng nào hay đồng nấy. Việc Dự thảo Luật (sửa đổi) đưa ra giải pháp này sẽ tạo ra tâm lý cho người lao động nghĩ rằng ngành BHXH đang cố gắng tìm giải pháp để giữ chân họ lại. Điều này sẽ gây ra tâm lý ngược lại và người lao động suy nghĩ cách để rút BHXH sớm.

Liên quan đến nội dung rút BHXH một lần, Bộ Tư pháp cũng vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Cụ thể, tại văn bản góp ý, Bộ Tư pháp cho biết, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu…”, đồng nghĩa với trường hợp người lao động sau 12 tháng mà thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm sẽ không được hưởng BHXH một lần.

“Quy định này nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích chính sách để người lao động hiểu được cặn kẽ ý nghĩa, mục đích của quy định mới có thể làm phát sinh những phản ứng không tốt như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Nhất là trong trường hợp người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn, gặp khó khăn và có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt”, Bộ Tư pháp đánh giá.

Đối với phương án 2, ngoài việc có thời gian dưới 20 năm đóng BHXH thì Dự thảo Luật (sửa đổi) đã có quy định giới hạn người lao động chỉ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Bộ Tư pháp cho rằng, quy định này là chưa rõ người lao động có tiếp tục được hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu hay không (trừ các trường hợp đã quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều này).

Xoay quanh nội dung phương án rút BHXH một lần, góp ý hoàn thiện Dự thảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, những năm gần đây nhiều người lao động cảm thấy “đang chịu phần thiệt” qua điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia BHXH hưởng lương hưu tối đa thì việc “ràng buộc” trong hưởng BHXH một lần có thể gây bất lợi thêm cho người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, việc áp dụng điều kiện “sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện” mới cho hưởng BHXH một lần là không phù hợp. Bởi BHXH một lần nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động mất việc làm, cuộc sống khó khăn.

Do vậy, cơ quan này đề xuất giảm điều kiện chờ rút BHXH một lần sau khi lao động nghỉ việc từ 12 xuống còn 3 tháng, bởi việc này có thể hạn chế tình trạng “bán non sổ BHXH” cũng như tín dụng đen.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn quy định về rút BHXH một lần tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714278157 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714278157 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10