24h

Đề xuất mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện lên tới 50%

Khôi Nguyên 30/11/2024 00:35

Mức hỗ trợ cao nhất cho hộ nghèo tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện có thể tăng lên tới 50% theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội…

de-xuat-muc-ho-tro-dong-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-len-toi-50-2.jpeg
Mức hỗ trợ cao nhất cho hộ nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể tăng lên tới 50% theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 cùng thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực.

Tại dự thảo nghị định, quy định chi tiết mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 2 Điều 31 và khoản 1 Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội.

Cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, phương án 1, mức hỗ trợ bằng 50% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 40% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội thuộc dân tộc thiểu số; bằng 20% đối với các đối tượng khác.

Phương án 2, mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội thuộc hộ nghèo, người thuộc dân tộc thiểu số; bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội thuộc hộ nghèo; bằng 20% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội thuộc dân tộc thiểu số; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc nhiều đối tượng được hỗ trợ ở nhiều mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức cao nhất. Khuyến khích các địa phương, cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm.

Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn phương thức đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng) một lần. Người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Luật Lao động nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 5 năm (60 tháng) thì được đóng cho đủ 15 năm để hưởng lương hưu.

Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề.

de-xuat-muc-ho-tro-dong-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-len-toi-50-1.jpg
Để mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện đặc biệt là khu vực phi chính thức thì cần có chính sách đồng bộ, toàn diện. Ảnh minh hoạ

Bình luận về nội dung này, TS Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, để mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện đặc biệt là khu vực phi chính thức thì cần có chính sách đồng bộ, toàn diện hơn như: Thúc đẩy chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm bền vững cho người lao động, hỗ trợ cho người lao động vay vốn phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình…

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh những giải pháp trên cũng cần nâng cao nhận thức của người dân, người lao động để họ tham gia BHXH tự nguyện. Điều quan trọng là công tác tuyên truyền phải làm rõ lợi ích của chính sách. Cùng với đó, phải tạo cơ hội và điều kiện cho người lao động tiếp cận chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, đặc biệt quan tâm đến công tác hành chính phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia, hỗ trợ kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin trên điện thoại di động thông minh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện lên tới 50%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO