Sửa Luật Quảng cáo – Ngăn chặn tình trạng nghệ sĩ quảng cáo bất chấp, sai sự thật
Trước hiện trạng quảng cáo sai sự thật, “thổi phồng” công dụng sản phẩm, đặc biệt có sự tham gia của không ít nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa Luật Quảng cáo là cần thiết…
>> Cân nhắc việc giao thẩm quyền cấp xác nhận nội dung quảng cáo với bệnh viện tư nhân
Theo số liệu thống kê, từ năm 2013 đến nay, trung bình 1 năm cả nước đã thực hiện tiếp nhận trên 25.000 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với loại hình bảng, băng-rôn và đoàn người thực hiện quảng cáo. Luật Quảng cáo cũng là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị hiện đại, văn minh…
Các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, giải quyết dứt điểm nhiều tồn tại, vướng mắc phát sinh mà trước đó chưa có quy định để xử lý, đặc biệt là tình trạng quảng cáo rao vặt, quảng cáo tấm lớn tràn lan gây mất mỹ quan đô thị; quảng cáo có nội dung thiếu thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, về người khuyết tật, quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, quảng cáo có sử dụng các từ “ nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được sau hơn 10 năm thực hiện, Luật quảng cáo, đã xuất hiện những tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh pháp luật như: Thiếu cơ chế để kiểm soát hiệu quả hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam; Việc quản lý nội dung, hình thức quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn,... đe dọa đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều doanh nghiệp sử dụng người có sức ảnh hưởng, thuyết phục người nổi tiếng trong giới truyền thông, nghệ thuật, v.v... sử dụng sản phẩm của mình tại các sự kiện truyền thông lớn để có thể tận dụng thương hiệu và sức lôi kéo của các của các nhân vật đó nhằm quảng bá sản phẩm tới nhiều người hơn trong xã hội và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm.
>> Một số quy định tại Dự thảo Thông tư về hoạt động thông tin tín dụng còn thiếu rõ ràng
Trong một số trường hợp, các sản phẩm được quảng cáo theo phương thức trên là hàng kém chất lượng, nhưng người bán hàng đã lợi dụng sức lôi kéo của người nổi tiếng để quảng cáo không trung thực. Trong trường hợp đó, người nổi tiếng đó đang tiếp tay cho gian thương bán hàng giả, hàng kém chất lượng, cho dù có thể là không cố ý. Hơn nữa, vì sự hấp dẫn của người nổi tiếng là rất lớn, tác động lên xã hội từ việc quảng cáo không trung thực như vậy có thể gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến bất ổn trong xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan quản lý vẫn còn gặp nhiều lúng túng trong việc xử lý các vi phạm này…
Để giải quyết các thực trạng đã nêu, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó, bổ sung quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Đây là một chủ thể tách biệt với các chủ thể khác, và phải có những quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định trong việc tuân thủ Luật Quảng cáo như mọi chủ thể khác.
Theo đó, Dự thảo Tờ trình nêu rõ: “Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu: phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm”.
Đánh giá về đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh quảng cáo tràn lan, bát nháo như hiện nay, đề xuất này là cần thiết và kỳ vọng nếu được thông qua sẽ giúp ngăn chặn, hạn chế được tình trạng quảng cáo sai sự thật, “thổi phồng” công dụng sản phẩm từ những người có tầm ảnh hưởng.
Theo TS Xã hội học - Đặng Vũ Cảnh Linh, đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất là hay, thiết thực và hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, trong đề xuất cũng cần làm rõ hơn, thế nào là người có tầm ảnh hưởng, ở mức độ nào? Thứ hai là cần thêm có những cơ sở pháp lý đối với chứng nhận tiêu chuẩn của các sản phẩm này. Những người tham gia quảng cáo buộc phải hiểu, phải đọc mới nhận lời quảng cáo cho các sản phẩm đó.
Kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo dựa trên hình ảnh và thương hiệu cá nhân là hợp pháp, thế nhưng, nếu bất chấp hoặc dễ dãi hay vì lợi ích trước mắt mà không kiểm chứng nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thì chính các nghệ sĩ đó đã vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng. Chính vì thế, nếu đề xuất này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thông qua thì có thể ngăn chặn, hạn chế được tình trạng nhiều nghệ sĩ đang bất chấp để quảng cáo sai sự thật.
“Nếu đề xuất này được thông qua thì nó tốt được về tất cả các phía, thể hiện được trách nhiệm của tất cả các bên khi tham gia: nhà nước có trách nhiệm hơn, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hơn đối với sản phẩm của mình, các nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo thì phải tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm”, TS Đặng Vũ Cảnh Linh khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Cân nhắc việc giao thẩm quyền cấp xác nhận nội dung quảng cáo với bệnh viện tư nhân
03:00, 22/07/2023
Thị trường quảng cáo “bên trong game” ngày càng sôi động
02:30, 20/07/2023
Công ty khởi nghiệp Pearpop biến nội dung sáng tạo thành quảng cáo trả phí
01:23, 16/07/2023
Doanh nghiệp khởi nghiệp tìm cách hỗ trợ các doanh nhân tạo ý tưởng quảng cáo
16:23, 06/07/2023
Quảng cáo trên TV, báo, đài ngày càng thất thế
02:00, 26/06/2023