Dự thảo Luật Đấu giá tài sản: Đề xuất ngăn “quân xanh, quân đỏ”
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã đề xuất một số biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, dìm giá khi đấu giá tài sản…
>>Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi): Cân nhắc bỏ quy định bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc
Nghiêm cấm một số chủ thể tham gia đấu giá
Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vừa được Chính phủ gửi Quốc hội. So với luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi bổ sung nhiều quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản cũng như trách nhiệm của người có tài sản đấu giá và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Theo phương án Chính phủ trình lên, dự thảo luật lần này bổ sung quy định "nghiêm cấm đấu giá viên để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi". Việc một người đã tham gia đấu giá nhưng nhận ủy quyền tham gia đấu giá cho người khác cũng bị nghiêm cấm.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động doanh nghiệp khác..."Điều này để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người này khi tham gia đấu giá", theo quan điểm Chính phủ.
Cũng theo quy định trong dự thảo luật, tài sản là quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và các tài sản khác… sẽ không được áp dụng đấu giá theo thủ tục rút gọn. Đây là một quy định mới trong dự thảo luật.
Đánh giá sau 5 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản, Chính phủ nhìn nhận tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp. Một số tổ chức đấu giá chưa tuân thủ nghiêm túc trình tự, thủ tục đấu giá, còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động đấu giá. Bên cạnh đó, Chính phủ cho biết còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản.
Một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức "sân sau" để đấu giá. Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá.
Theo đó, người có tài sản có quyền quyết định áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá; tạm dừng tổ chức đấu giá, hủy bỏ việc tổ chức đấu giá với tài sản thi hành án dân sự khi có quyết định hoãn, tạm đình chỉ, tạm dừng thi hành án, tài sản đấu giá không đủ điều kiện…
Người có tài sản chịu trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm, việc giảm giá khởi điểm, đồng thời có nghĩa vụ báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, tham dự cuộc đấu giá, diễn biến cuộc đấu giá và kết quả đấu giá.
Ngoài ra người có tài sản phải bảo mật tài liệu, thông tin liên quan trong quá trình lựa chọn tổ chức đấu giá; thông tin của người tham gia đấu giá trong quá trình thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá cho đến khi kết thúc cuộc đấu giá.
>>Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
Chuyên gia nói gì?
Đánh giá về nội dung đề xuất này, TS Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, nếu dự thảo Luật được ban hành sẽ có ít nhất 3 tác động cơ bản: Thứ nhất là sẽ tạo được môi trường đấu giá minh bạch, hiệu quả, giúp người dân, người có tài sản có được lòng tin trong việc thực thi pháp luật về đấu giá tài sản. Thứ hai, Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi sẽ là một kênh tạo nguồn tài chính rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
Cụ thể là vụ đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm (TP. HCM), vì có trục trặc về đấu giá, dẫn đến không thành công mà Nhà nước đã mất đi một khoản tài chính từ đấu giá 4 lô đất này.
“Và quy định của pháp luật được hoàn hiện thì đương nhiên ở các địa phương cũng là một kênh huy động tài chính rất lớn cho các địa phương trong việc tạo nguồn để xây dựng các hạ tầng cơ sở ở địa phương từ nguốn đấu giá đất đai, tài sản của Nhà nước. Thứ ba nữa sẽ thúc đẩy thị trường đấu giá tài sản ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tương lai”, TS Trần Minh Sơn nói.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Chiến, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã mở rộng một số đối tượng không được tham gia đấu giá, nghiêm cấm một số chủ thể tham gia đấu giá là hết sức cần thiết.
Hội đồng đấu giá là cốt lõi của hoạt động này, nó cần phải có những quy định nhằm bảo đảm hoạt động thực tiễn một cách công khai, minh bạch. Do đó, bên cạnh việc can thiệp các biện pháp xử lý đối tượng tham gia đấu giá, thì cần kết hợp các quy định về cơ chế quản lý, bảo đảm tính khách quan của phiên đấu giá cũng là hết sức cần thiết.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, muốn hạn chế được tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, hoặc thông đồng, lợi dụng thủ tục rút gọn hoặc các quy định về các tình huống đấu giá thì cần có những quy định để các tổ chức đấu giá, cũng như những người có tài sản đấu giá không thể bắt tay được.
Như vậy, đòi hỏi phải có các trình tự quy định về thủ tục rút gọn hoặc các thủ tục đấu giá công khai rất chặt chẽ, từ khâu chấp nhận hồ sơ để phòng tránh tình trạng doanh nghiệp thành lập các công ty con để có tính pháp nhân độc lập, nhưng thực chất chủ thể của những đối tượng đó thì lại có quan hệ với nhau. Vấn đề này đói hỏi thủ tục xét hồ sơ đấu giá ngay từ ban đầu cũng phải đặt ra trách nhiệm của các cơ quan bán hồ sơ đấu giá phải có một quy định bắt buộc phải rà soát và công khai những chủ thể đăng ký tham gia đấu giá.
“Thứ hai đòi hỏi cán bộ thực hiện hoạt động đấu giá này phải có năng lực, phải được rèn luyện những kỹ năng chuyên môn để xử lý với những hồ sơ có dấu hiệu thông đồng để dìm giá. Đồng thời cũng phải có những cơ chế để xử lý đối với những doanh nghiệp lập hồ sơ có yếu tố không minh bạch hoặc thông đồng để tạo ra “quân xanh, quân đỏ” nhằm trục lợi; cũng như để xử lý nghiêm những người thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Đấu giá, đối với trách nhiệm của các tổ chức đấu giá, cán bộ đấu giá”, luật sư Nguyễn Văn Chiến nói.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi): Cân nhắc bỏ quy định bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc
03:00, 06/07/2023
Điều tra làm rõ sai phạm Tập đoàn Mường Thanh thuê đất không qua đấu giá
15:47, 25/05/2023
Tiềm năng lớn cho đấu giá tài sản trí tuệ tại Việt Nam
00:00, 03/04/2023
>>