Băn khoăn khoản phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

KHÔI NGUYÊN 15/08/2023 00:20

Nhận định về đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của Bộ Tài chính mới đây, nhiều chuyên gia bày tỏ băn khoăn và cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý cần thiết phải xem xét…

>> Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải: Chuyên gia nói gì?

hihihihihihi

Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, nhằm từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội.

Theo Bộ Tài chính, trước mắt chỉ quy định đơn vị phải nộp phí là: Các cơ sở xả khí thải là các nhà máy, cơ sở sản xuất gang thép, luyện kim; hóa chất vô cơ cơ bản, phân bón vô cơ và hợp chất ni tơ; lọc hóa dầu; tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; sản xuất than cốc, khí than; nhiệt điện; xi măng.

Để bảo đảm thống nhất, tạo thuận lợi cho việc thu, nộp phí; hạn chế làm tăng chi phí trong thu, nộp phí, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ quy định cơ quan thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải tương tự như cơ quan thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã quy định tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP.

Nhận định về đề xuất này của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia bày tỏ băn khoăn và cho rằng có nhiều điểm bất hợp lý. Điển hình như chỉ tính riêng mặt hàng xăng dầu đã chịu thuế bảo vệ môi trường, về nguyên tắc là để bảo vệ môi trường nhưng giờ đây Bộ Tài chính vẫn muốn thu phí khí thải với nhà máy lọc dầu, cũng với mục đích bảo vệ môi trường. Do đó, các chuyên gia cho rằng, như vậy là “phí chồng thuế”. Một số ý kiến còn cho rằng, đánh cả thuế lẫn phí cho cùng một loại nguồn ô nhiễm là "xưa nay chưa từng thấy".

>>Thu phí bảo vệ môi trường với khí thải: Nhiều tranh cãi

hihihihi

 Nhiều chuyên gia bày tỏ băn khoăn và cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính còn nhiều điểm bất hợp lý cần thiết phải xem xét. Ảnh minh họa

Trả lời trên tờ Thanh Niên xung quanh câu chuyện này, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng bày tỏ băn khoăn.

Theo ông Long, hiện nhiều chuyên gia kinh tế, các cơ quan nghiên cứu đề xuất Chính phủ giảm thêm các loại thuế, phí để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh kinh tế thế giới lẫn trong nước vẫn còn ảm đạm. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách theo hướng này. Nếu dự thảo thu phí khí thải được thông qua thì lại làm tăng chi phí mới cho doanh nghiệp. Như vậy thời điểm áp dụng trước hết là chưa phù hợp, cần xem xét lại. Chưa kể chính sách thuế hay phí là phải mang tính công bằng. Nếu chỉ thu phí những cơ sở sản xuất được nêu tên trong đợt đầu tiên này thì những đơn vị còn lại thì sao?

Quan trọng nhất, theo TS Ngô Trí Long, đó là chúng ta đã triển khai thu nhiều loại thuế, phí bảo vệ môi trường đối với nhiều sản phẩm, dịch vụ trong thời gian qua, nhưng đã có báo cáo đánh giá nào về hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường liên quan hay không? Ví dụ Bộ Tài chính dẫn chứng hoạt động thu phí khí thải tương tự như các doanh nghiệp đã nộp phí nước thải thì hằng năm số thu phí này có được công bố rõ ràng là bao nhiêu và chi bao nhiêu không? Hiệu quả của số tiền đã chi ra giúp giảm thiểu nước thải gây ô nhiễm môi trường ở các địa phương ra sao? 

"Cũng như ngân sách là phải công khai minh bạch. Mọi nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường hay phí bảo vệ môi trường phải được nêu chi tiết cụ thể hàng năm để người dân được biết. Nếu ở địa phương thì sẽ có HĐND giám sát và ngân sách trung ương sẽ có Quốc hội giám sát để đảm bảo chi đúng mục đích. Ngoài việc phải chi đúng mục đích thì hiệu quả của hoạt động này ra sao? Trước khi áp dụng khoản thu mới thì Bộ Tài chính cần có đánh giá cụ thể về số thu các loại thuế, phí bảo vệ môi trường và hiệu quả trong thời gian qua đối với công tác này như thế nào. Chỉ khi thấy được hiệu quả thì mới nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Nếu không rõ thì phải xem xét lại cả khoản thu cũ và chưa vội đề xuất khoản thu mới", chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng các doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn khó khăn khi đại dịch Covid-19 ập đến, chưa kịp hồi phục thì kinh tế toàn cầu đi xuống. Vì vậy thời điểm áp dụng thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải xem xét lại. Việc thu phí chỉ vài triệu đồng mỗi năm có thể không lớn với một số doanh nghiệp nhưng cũng sẽ gây áp lực đến chi phí sản xuất. Thậm chí các doanh nghiệp phải đầu tư thêm thiết bị để giảm phát khí thải và đây sẽ là chi phí rất lớn, tạo thêm gánh nặng ở thời điểm hiện nay sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hay quy định việc thu phí biến đổi theo các chất có trong khí thải theo thời điểm đo có phát sinh tiêu cực giữa đơn vị thực hiện quan trắc với doanh nghiệp hay không? 

"Từ trước đến nay, người dân hầu như chưa thấy rõ hiệu quả từ sắc thuế, phí bảo vệ môi trường mà họ phải đóng hằng quý, hằng năm như thế nào. Vì vậy cơ quan soạn thảo cần phải có thông tin rõ ràng hơn, đánh giá cụ thể về tác động của khoản thu liên quan bảo vệ môi trường trước khi trình thêm khoản thu mới", PGS-TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải: Chuyên gia nói gì?

    Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải: Chuyên gia nói gì?

    00:30, 13/08/2023

  • Cần làm rõ một số quy định về phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

    Cần làm rõ một số quy định về phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

    03:50, 20/02/2022

  • VCCI: Không nên tăng phí bảo vệ môi trường với nước thải sinh hoạt

    VCCI: Không nên tăng phí bảo vệ môi trường với nước thải sinh hoạt

    06:00, 02/06/2019

KHÔI NGUYÊN