Nợ xấu “phình to”, ngân hàng gặp “khó"
“Thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng rất đáng lo ngại. Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo rất gian nan do thị trường trầm lắng, nhiều vướng mắc về pháp lý chưa được gỡ…”.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xung quanh câu chuyện nợ xấu ngân hàng đang có xu hướng “phình to” trong thời gian qua.
>>Nợ xấu ngân hàng đang “đáng ngại” ra sao?
Theo đó, kết thúc đợt công bố báo cáo tài chính quý II/2023, một loạt các báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy áp lực nợ xấu đang gia tăng. Cụ thể, tính đến hết 30/6, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 28 ngân hàng ở mức 2,02%, tăng 0,41 điểm % so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu trung bình giảm từ 127% còn 105%. Các chuyên gia cho rằng, đây là điều đã được dự báo trước, nhưng kết quả thực tiễn vẫn gây ra những lo lắng nhất định.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng rất đáng lo ngại. Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo rất gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được gỡ. Nhiều ngân hàng TMCP cho hay, thị trường BĐS “đóng băng” đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác xử lý nợ của ngân hàng, trong khi nợ xấu tăng lên rất nhanh. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng.
Không chỉ vậy, theo phản ánh từ phía ngân hàng, một số ngân hàng đang đứng trước nguy cơ tài sản thế chấp “bỗng dưng bốc hơi” do khách hàng kiện nhau khiến hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu. Cụ thể, gần đây, việc khách hàng vay vốn đã thế chấp tài sản đảm bảo, song sau đó tranh chấp với chủ sở hữu cũ tăng lên chóng mặt, khiến ngân hàng không thể thu hồi nợ. Các ngân hàng nghi ngờ, tình trạng này xảy ra do khách hàng sử dụng “chiêu trò” để ngân hàng không thể thu giữ tài sản đảm bảo, trốn tránh trả nợ ngân hàng.
Nhiều trường hợp khi vay vốn ngân hàng, bố mẹ ký vào hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo, nhưng con cái không ký. Đến khi quá hạn trả nợ, ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, thì người trong gia đình lại tranh chấp, kiện tụng, các con đòi chia tài sản… Hoặc có trường hợp con bịa chữ ký của mẹ để vay vốn, khi ngân hàng thu hồi nợ mới phát hiện ra, khi đó hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu, ngân hàng mất trắng tài sản thế chấp, có nguy cơ không đòi được nợ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch, thì giao dịch đó không bị vô hiệu” (Điều 133).
Tuy nhiên, Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 2/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật khi giải quyết các vụ án hình sự, dân sự lại không xác định ngân hàng là người thứ ba ngay tình trong trường hợp người vay sử dụng tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng nhưng có tranh chấp với chủ cũ. Trong trường hợp có người khai bất lợi cho các tổ chức tín dụng và có đơn yêu cầu, thì khả năng cao tòa tuyên vô hiệu.
Theo các ngân hàng, Công văn số 02/TANDTC-PC là nguyên nhân khiến ngân hàng rất khó thu hồi tài sản đảm bảo, xử lý nợ. Riêng tại Ngân hàng ACB, thời gian qua đã phát sinh hơn 100 vụ án có liên quan đến tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới, các bên tặng cho, tài sản thế chấp bán vi bằng cho người khác, tranh chấp hủy hợp đồng chuyển nhượng do chủ cũ vay tiền của chủ sở hữu mới…
>>Cảnh báo nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng
Thực tế, theo thông tin từ đại diện của nhiều ngân hàng, nhiều đối tượng đang lợi dụng quy định về tranh chấp để trì hoãn việc xử lý nợ xấu của ngân hàng, khiến các ngân hàng đứng trước rủi ro lớn vì hàng loạt hợp đồng thế chấp có nguy cơ bị tuyên vô hiệu. Trong các trường hợp có tranh chấp như trên, Tòa án yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp hồ sơ thẩm định tài sản để chứng minh việc chủ sở hữu cũ biết việc thế chấp tài sản.
Tuy vậy, yêu cầu này là vô lý, vì pháp luật cho phép tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay, tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình, không bắt buộc tổ chức tín dụng phải thẩm định tài sản. Hơn nữa, pháp luật cũng không quy định bắt buộc tổ chức tín dụng khi thẩm định tài sản phải xác định mối quan hệ giữa người đang thực tế quản lý, sử dụng tài sản với chủ sở hữu tài sản có tên trên giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu. Công văn số 02/TANDTC-PC đã tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
“Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có giải pháp tháo gỡ để bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng”, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm