Trong những tháng đầu năm nay, các ngân hàng có thể giảm trích lập dự phòng để tăng lợi nhuận tạm thời, nhưng càng về cuối năm, áp lực trích lập dự phòng càng cao.
>>>"Soi" chất lượng tài sản - nợ xấu của các ngân hàng
Điều này sẽ khiến các ngân hàng “đau đầu” để đảm bảo quy định trích lập dự phòng, giữ vững tỷ lệ nợ xấu theo chỉ tiêu kế hoạch, đồng thời phải làm sao đạt được lợi nhuận mà ĐHĐCĐ đã giao.
Theo Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, các yếu tố như vậy đan cài nhau và chẳng khác nào “bộ ba bất khả thi”, cứ phải co kéo lẫn nhau trong bối cảnh ngân hàng chịu nhiều sức ép về việc khó cho vay, giảm lãi suất cho vay dẫn đến giảm biên lãi ròng. Mặt khác, vốn huy động nhàn rỗi có giá rẻ cũng chỉ mới phục hồi nhẹ trong khi vốn huy động lãi suất cao trước đây theo kỳ hạn dài vẫn còn.
Về vĩ mô, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cũng cho biết thêm, một tín hiệu tiêu cực là hàng loạt ngành xuất khẩu đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu của năm 2023, cho thấy khó khăn đầu ra.
Tuy nhiên, báo cáo mới của Techcombank dành cho các khách hàng doanh nghiệp nhận định, đã xuất hiện tín hiệu tích cực từ lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo, với sự quan tâm của các nhà đầu tư khi niềm tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện đáng kể.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam thực hiện 7 tháng đầu năm nay vẫn ổn định, đạt 11,6 tỷ USD tương đương mức cùng kỳ năm ngoái, được đóng góp từ nhóm sản xuất, chế biến chế tạo khi ghi nhận 9,5 tỷ USD, tương ứng tăng 6,9%, chủ yếu đến từ vốn đăng ký của những năm trước đó. Trong ngắn hạn, dòng vốn mới này chưa thể bù đắp kim ngạch các ngành bị hụt nhưng vẫn sẽ tạo tính lan tỏa tốt.
Ông Phạm Quốc Thanh, TGĐ HDBank chia sẻ, khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đi vào thực tiễn, lãi suất đã giảm sâu, chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu sẽ tích cực hơn, ngân hàng tin tưởng về triển vọng tích cực hơn trong nửa cuối năm.
Có thể bạn quan tâm