Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức Việt Nam vẫn giữ được vị thế ổn định trên thị trường với triển vọng tín nhiệm tích cực.
Bất chấp các tác động vĩ mô từ bên ngoài như xung đột địa chính trị kéo dài, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt tại các nền kinh tế lớn, theo nhận định của các chuyên gia VIS Rating tại hội thảo trực tuyến “Triển vọng Tín nhiệm Việt Nam nửa cuối năm 2025” được tổ chức cùng Chứng khoán Vietcap, Việt Nam vẫn giữ được vị thế ổn định trên thị trường với triển vọng tín nhiệm cao.
Các chuyên gia của tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating ví nền kinh tế Việt Nam như một “con tàu vững vàng giữa giông bão”, với triển vọng tín nhiệm tiếp tục được duy trì ổn định nhờ các chính sách tài khóa linh hoạt, đẩy mạnh cải cách thể chế và tái cấu trúc nền tảng sản xuất.
Một trong những yếu tố then chốt hỗ trợ triển vọng tín nhiệmViệt Nam trong nửa cuối năm 2025 là tiến trình cải cách thể chế đang được đẩy mạnh. Đặc biệt, việc ban hành 4 Nghị quyết quan trọng (số 57, 59, 66 và 68) vào tháng 5/2025 cho thấy quyết tâm chiến lược của Việt Nam trong việc thúc đẩy kinh tế số, hoàn thiện pháp luật, mở rộng hội nhập và nâng tầm khu vực tư nhân.
Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đưa kinh tế số chiếm hơn 50% GDP vào năm 2045, đồng thời triển khai ưu đãi thuế, tín dụng và đất đai để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, Nghị quyết 59 nhấn mạnh mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, và phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI.
"Cả hai nghị quyết này đều tác động tích cực đến kỳ vọng dài hạn của các nhà đầu tư và tổ chức xếp hạng tín nhiệm", theo VIS Rating.
Song song đó, chi đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh với mức giải ngân trong nửa đầu năm 2025 đạt xấp xỉ 250.000 tỷ đồng – tăng trưởng mạnh so với các năm trước. Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch vượt tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2024, tạo động lực cho các ngành xây dựng, vật liệu và dịch vụ kỹ thuật. Đây là cơ sở để VIS Rating nhận định rằng đầu tư công vào hạ tầng tiếp tục được đẩy mạnh và các chính sách ưu đãi thuế được gia hạn, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế và các ngành có sức chống chịu cao.
Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, Việt Nam cũng không tránh khỏi những rủi ro đến từ bên ngoài. Việc Hoa Kỳ áp dụng trở lại thuế quan đối ứng từ tháng 8/2025 đối với một số mặt hàng xuất khẩu có thể làm chậm đà tăng trưởng xuất khẩu trong ngắn hạn, các chuyên gia dự báo.
Trong bối cảnh đó, khả năng giữ vững vị thế tín nhiệm sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của các chính sách ứng phó và năng lực đa dạng hóa thị trường của doanh nghiệp Việt Nam.
VIS Rating cho rằng các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa vững chắc, được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa mở rộng và đầu tư công chủ động vào hạ tầng, đang giúp giảm nhẹ tác động bất lợi.
Một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận là hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong quý II/2025. Dữ liệu tính đến giữa tháng 6/2025 cho thấy tín dụng tăng cao hơn cùng kỳ, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh. Điều này, theo các nhà phân tích, không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn mà còn phản ánh mức độ ổn định của hệ thống tài chính – một trong những chỉ báo quan trọng trong đánh giá tín nhiệm quốc gia.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đang dần phục hồi sau giai đoạn biến động. Trong 5 tháng đầu năm 2025, có tới 106 tổ chức phát hành mới, giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng 5.000 tỷ đồng/ngày. Tỷ lệ chậm trả mới giảm còn 1,8%, trong khi các ngân hàng tiếp tục đóng vai trò chủ đạo với 45% tổng giá trị trái phiếu phát hành. Quá trình tái cơ cấu các tổ chức phát hành gặp khó khăn như Novaland, Trung Nam Group, Hưng Thịnh Group cũng đang cải thiện tâm lý thị trường và tỷ lệ thu hồi.
"Đây là bằng chứng cho thấy niềm tin nhà đầu tư đang dần trở lại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh", chuyên gia nhìn nhận.
Trong khối tài chính, chuyên gia kỳ vọng nền tảng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam sẽ được cải thiện nhẹ nhờ điều kiện kinh doanh thuận lợi, dẫn dắt bởi các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng lớn ít tiếp xúc với các doanh nghiệp bất động sản đang tái cấu trúc.
Đối với các công ty chứng khoán, các công ty có liên kết ngân hàng tư nhân sẽ dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành, nhờ tận dụng nguồn vốn và mạng lưới khách hàng từ ngân hàng mẹ để mở rộng thị phần môi giới và phân phối trái phiếu.
Trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, các công ty tập trung vào các khoản vay mua sắm tiêu dùng bền và xe máy có khả năng duy trì chất lượng tài sản và lợi nhuận ổn định, trong khi các công ty mở rộng sang cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng có thể gặp nhiều thách thức.
Trong các ngành phi tài chính, các doanh nghiệp phát điện và vận hành hạ tầng đang hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công và cải thiện khả năng trả nợ, trong khi các nhà phát triển nhà ở và bất động sản công nghiệp giữ vững vị thế nhờ chính sách hỗ trợ, dù dòng tiền hoạt động vẫn âm. Ngược lại, các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng đang chịu áp lực biên lợi nhuận do chi phí đầu vào tăng và khó khăn trong huy động vốn lưu động.
Với việc giữ vững 'ổn định' về tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong nửa cuối năm 2025, với những yếu tố hỗ trợ rõ rệt từ cải cách thể chế, chính sách tài khóa linh hoạt và sự hồi phục của thị trường vốn, nhìn chung, các chuyên gia rằng để duy trì và nâng cấp xếp hạng trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết các điểm nghẽn về pháp lý, cải thiện quản trị doanh nghiệp, và tăng khả năng chống chịu trước biến động toàn cầu.
Khi niềm tin nhà đầu tư dần được phục hồi, vai trò của một hệ thống tín dụng minh bạch và hiệu quả sẽ trở nên then chốt. Với định hướng đúng đắn và chiến lược cải cách sâu rộng, Việt Nam có cơ sở để giữ vững triển vọng tín nhiệm – một nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.