Chuyên đề

Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ, nhà đầu tư không nên chủ quan

Diễm Ngọc 22/05/2025 04:53

Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ được xem là tín hiệu cảnh báo sớm về rủi ro tài chính toàn cầu, với những tác động tiềm ẩn đến thị trường và nhà đầu tư Việt Nam trong trung - dài hạn.

Vừa qua, Moody’s - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đã đưa ra quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm cao nhất của Mỹ. Quyết định này không chỉ tác động tới lợi suất trái phiếu, giá vàng và sức mạnh đồng đô la Mỹ, mà còn tạo ra những hiệu ứng lan tỏa tới nhiều thị trường tài chính trên toàn cầu.

moody.jpg
Lần đầu tiên Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ khiến giới đầu tư toàn cầu phải xem xét lại định nghĩa về rủi ro khi nắm giữ trái phiếu Mỹ

Phản ứng thị trường tài chính

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital đánh giá sự kiện Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm cho thấy Mỹ đang bị đánh giá là rủi ro hơn trong khả năng thanh toán nợ. Điều này có tác động trực tiếp đến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, công cụ vốn được xem là “tài sản không rủi ro” từ trước đến nay.

Trước đó, Fitch Ratings cũng đã hạ tín nhiệm Mỹ xuống A+ vào tháng 8/2023 trong khi S&P từng thực hiện điều này năm 2011. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Moody’s thực hiện bước đi này, khiến giới đầu tư toàn cầu phải xem xét lại định nghĩa về rủi ro khi nắm giữ trái phiếu Mỹ.

Theo báo cáo của Moody’s, hai lý do chính khiến Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm là: Thứ nhất, nợ công tăng cao do chi tiêu liên bang ngày càng lớn và doanh thu giảm bởi các chính sách cắt giảm thuế trong nước. Moody’s cho biết nợ công của Mỹ hiện ở mức 36.100 tỷ USD, và có thể lên tới 135% GDP vào năm 2035. Để so sánh, nhiều quốc gia giữ mức trần nợ công ở khoảng 60–65% GDP, trong khi tỷ lệ của Mỹ đã gấp đôi.

Thứ hai, chi phí trả lãi tăng do lãi suất cao và duy trì kéo dài. Moody’s cảnh báo rằng chi phí tài chính ngày càng lớn này sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của chính phủ Mỹ.

Các yếu tố này đang dần phá vỡ niềm tin lâu nay rằng trái phiếu chính phủ Mỹ là “tài sản phi rủi ro” (risk-free asset). Ông Tuấn cũng phân tích thêm: “Lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện không có cơ hội để giảm, đặc biệt kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Trump đã làm giảm thu ngân sách và buộc Mỹ phải tăng thuế quan để bù đắp. Điều này không chỉ dẫn đến căng thẳng thương mại, mà còn tác động dây chuyền đến tỷ giá, lạm phát và lãi suất - những yếu tố đang trở nên ngày càng khó kiểm soát”.

Có thể thấy, khi Moody’s công bố hạ bậc tín nhiệm Mỹ, thị trường đã phản ứng tức thì. Cụ thể như lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, lần đầu tiên, lợi suất kỳ hạn 30 năm vượt ngưỡng 5%, đặc biệt do áp lực bán mạnh ở kỳ hạn dài. Lợi suất kỳ hạn 10 năm cũng tăng ngay lập tức.

Tiếp đó là giá vàng tăng mạnh. Sau khi điều chỉnh về gần 3.100 USD/ounce, giá vàng nhanh chóng quay lại trên mức 3.300 USD/ounce, do vai trò trú ẩn an toàn được ưu tiên.

Đặc biệt, chỉ số DXY (sức mạnh đồng USD) giảm về mức 100 điểm. Nhà đầu tư có xu hướng bán USD để chuyển sang vàng hoặc ngoại tệ khác như euro và bảng Anh.

Riêng thị trường chứng khoán Mỹ đi ngang, phản ánh tâm lý thị trường yếu sau cú sốc này.

Tác động đến thị trường Việt Nam

Đối với thị trường Việt Nam, chuyên gia tại AFA Capital nhận định trong ngắn hạn, các phản ứng trước thông tin Moody’s hạ tín nhiệm Mỹ là rất nhẹ hoặc gần như không có. Nguyên nhân là thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đang được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ.

Việc kiểm soát tỷ giá không chỉ là mục tiêu của chính sách tiền tệ, mà còn là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2025
Nhà đầu tư Việt Nam cần lưu ý theo dõi diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Việt Nam, xu hướng tỷ giá USD/VND, các đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ từ Fed

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan bởi tác động lan tỏa có thể sẽ thể hiện ở ba khía cạnh chính sau: Một là, nếu có áp lực về lãi suất thì tác động đến VN-Index sẽ rất lớn. Khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, lãi suất toàn cầu bị kéo theo và thị trường Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo này.

Hai, dù hiện tại tỷ giá chưa bị dồn áp lực, nhưng nếu đồng USD tiếp tục suy yếu hoặc biến động mạnh, Việt Nam sẽ đối diện với thách thức trong điều hành tỷ giá. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, lạm phát và định hướng chính sách tiền tệ.

Ba, nhà đầu tư trong nước cần cảnh giác với những biến động từ bên ngoài. Rủi ro từ những biến động thị trường và thay đổi chính sách có tác động lớn đến xu hướng tăng trưởng của thị trường tài chính. Sự kiện chiến sự Nga – Ukraine từng là ví dụ điển hình, ban đầu tưởng không liên quan đến Việt Nam, nhưng sau đó kéo theo lạm phát toàn cầu, làm lãi suất trong nước tăng mạnh và thị trường chứng khoán sụt giảm sâu trong năm 2022.

“Với triển vọng Fed khó có thể hạ lãi suất trong ngắn hạn và các bất ổn thương mại chưa hạ nhiệt, những ảnh hưởng từ việc Moody’s hạ tín nhiệm Mỹ có thể không chỉ dừng lại ở hiện tượng nhất thời. Nếu tỷ giá liên tục chạm trần, cộng thêm các áp lực từ thuế quan và lạm phát thì sau 90 ngày, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, sẽ bắt đầu có ảnh hưởng thực sự.

Những dấu hiệu mà nhà chúng ta cần thận trọng theo dõi bao gồm: diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Việt Nam, xu hướng tỷ giá USD/VND, các đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ từ Fed. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều tổ chức nước ngoài bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nắm giữ một lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ, sự thay đổi trong định giá rủi ro có thể tác động đến danh mục dự trữ ngoại hối và chính sách đầu tư công”, ông Nguyễn Minh Tuấn lưu ý.

Có thể thấy, Moody’s hạ bậc tín nhiệm Mỹ không chỉ là một hành động kỹ thuật trong giới phân tích tài chính, mà là một tín hiệu cảnh báo về sức khỏe tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dù phản ứng ban đầu của thị trường Việt Nam chưa quá rõ rệt, nhưng các nhà đầu tư cần hiểu rằng sóng gió tài chính luôn có độ trễ khi lan tới các nền kinh tế nhỏ hơn. Chúng ta không nên chủ quan, trong 90 ngày tới, cần đặc biệt theo sát các diễn biến về thuế quan, lạm phát và chính sách tiền tệ quốc tế để chủ động điều chỉnh danh mục đầu tư, cũng như chiến lược tài chính cá nhân của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ, nhà đầu tư không nên chủ quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO