Giá xăng dầu liên tục “leo thang”, có nên giữ Quỹ bình ổn?
Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tiếp đà tăng, nhưng việc xả Quỹ bình ổn lại “nhỏ giọt” chưa tạo ra bước đệm kìm giá, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu…
>> Giá bán lẻ xăng dầu sẽ biến động nhẹ
Theo đó, câu chuyện giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tục được dư luận quan tâm đặc biệt thời gian qua, đáng nói, dù Bộ Công Thương và không ít chuyên gia đã nhiều lần kiến nghị bỏ nhưng Bộ Tài chính giữ quan điểm duy trì Quỹ bình ổn để tạo bước đệm bình ổn giá.
Thế nhưng, giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh vừa qua (21/9) tăng mạnh, xăng tăng cao nhất gần 900 đồng/lít, dầu cũng tăng cao nhất 630 đồng/lít. Sau tăng, giá xăng RON 95 vọt đến mốc 26.000 đồng/lít, mức cao nhất trong 9 tháng qua, thế nhưng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang có số dư rất lớn, lại không được chi sử dụng suốt 5 kỳ điều hành vừa qua để kìm hãm đà tăng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/7, số dư của Quỹ đã lên tới hơn 7.438 tỷ đồng, mức cao nhất từ quý I/2021 đến nay, thế nhưng, kể từ đầu năm đến nay, mức chi quỹ hết sức khiêm tốn và số lần chi cũng “nhỏ giọt”.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, có 27 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu với 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên giá, so với thời điểm đầu năm, giá xăng E5 RON92 đã tăng 3.300 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng khoảng 3.400 đồng/lít. Trong khi đó, mức chi Quỹ bình ổn giá rất khiêm tốn.
Cụ thể, trong 3 tháng trở lại đây, tại các kỳ điều hành giá ngày 05/9, 21/8 và 11/8, cơ quan điều hành giá chỉ xả quỹ đối với mặt hàng dầu mazut. Kỳ điều hành ngày 01/8 chỉ xả quỹ cho dầu diesel và dầu hỏa, các kỳ điều hành ngày 21/7 và 11/7 không sử dụng Quỹ cho bất cứ mặt hàng nào, riêng kỳ điều hành ngày 11/9, liên bộ quyết định chi quỹ cho 2 mặt hàng E5 RON92 và RON95 nhưng ở mức rất thấp, lần lượt 22 đồng/lít và 14 đồng/lít.
>>Thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng
Ngoài vấn đề về bất cập trong bình ổn giá, không ít ý kiến cũng cho rằng, việc vận hành Quỹ bình ổn hiện nay cũng đã và đang cho thấy nhiều lỗ hổng. Thực tế, Quỹ nằm ở doanh nghiệp và định kỳ doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý, tuy nhiên, quản lý số tiền thực còn trong quỹ cũng khá khó khi doanh nghiệp hoàn toàn có thể rút ra để đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác, quỹ càng lớn, lợi nhuận cho doanh nghiệp càng lớn khi có thể “mượn tạm” để làm vốn kinh doanh, không phải vay ngân hàng. Sự việc Công ty Xuyên Việt Oil “ôm” hàng trăm tỷ tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa hoàn trả thời gian vừa qua được cho là ví dụ điển hình.
Trước thực tế đã nêu, liệu có nên giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu? Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế, chẳng hạn trong hoạt động khai thác thủy sản, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% tổng chi phí sản xuất; vận tải 63,36%; khai thác than 45,18%... việc tăng giá xăng dầu thường tác động mạnh đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và cuộc sống thường nhật của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giải phóng nguồn lực cho xã hội.
Theo chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú, bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu là đúng đắn nhất để xăng dầu có giá sát thị trường, Quỹ này thời gian qua có nhiều ý kiến đánh giá hoạt động không hiệu quả, cho nên phải có những giải pháp thay thế. Để thị trường xăng dầu hiệu quả, tránh đứt gãy nguồn cung, quan trọng nhất phải dự trữ bằng hiện vật là nguồn xăng dầu thay vì để tiền trong Quỹ rồi điều hành như hiện nay. Việc bỏ Quỹ cũng tránh nguy cơ hàng nghìn tỷ đồng nằm trong quỹ bị sử dụng sai mục đích, không hiệu quả trong khi đây là số tiền do người dân đóng góp thông qua mua xăng dầu.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh, việc doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không nộp tiền vào Quỹ bình ổn đã được dự báo ngay khi thành lập quỹ. Bất ổn xuất phát từ quy định, số tiền trích Quỹ bình ổn do doanh nghiệp quản lý, trong khi cơ quan chức năng là người quyết định việc sử dụng quỹ. Hiện nay, có mấy chục đầu mối kinh doanh xăng dầu, cơ quan chức năng khó có thể thanh tra, kiểm tra hết các đầu mối trong việc trích lập quỹ.
“Cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp tự quản lý tiền trích lập Quỹ bình ổn, điều này đi ngược với nguyên tắc sử dụng tiền của doanh nghiệp, không doanh nghiệp nào để tiền nhàn rỗi nằm ở Quỹ bình ổn. Cơ chế quản lý tài chính của quỹ sai từ gốc, tạo nên xung đột giữa quản lý tài chính của Nhà nước và quản lý tài chính của doanh nghiệp. Hai mục tiêu này khác nhau dẫn đến việc quản lý, vận hành khác nhau”, TS Vũ Đình Ánh nhìn nhận.
Cũng theo TS Vũ Đình Ánh, Bộ Công Thương vừa kiểm tra việc trích lập Quỹ bình ổn đã phát hiện sai phạm. Nếu tiếp tục thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng có thể phát hiện thêm sai phạm tương tự, sai phạm này thêm một bằng chứng về bất cập của quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu và cần phải loại bỏ.
Có thể bạn quan tâm
Giá bán lẻ xăng dầu sẽ biến động nhẹ
01:46, 21/08/2023
Thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng
04:30, 20/08/2023
“Cởi trói” cho đại lý bán lẻ xăng dầu: Xóa độc quyền phân phối
04:00, 18/08/2023
Vướng mắc tín dụng - Hệ lụy nhìn từ dự án xăng dầu
17:00, 03/08/2023
Thái Bình: Minh bạch thị trường kinh doanh xăng dầu nhờ ứng dụng chuyển đổi số
00:06, 19/07/2023