Thái Bình: Minh bạch thị trường kinh doanh xăng dầu nhờ ứng dụng chuyển đổi số

MINH HUỆ 19/07/2023 00:06

Thời gian qua, ngành xăng dầu trên địa bàn đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý của doanh nghiệp. Qua đó làm minh bạch thị trường kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

>>>Thái Bình: Tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Minh bạch thị trường kinh doanh

Kiểm tra, giám sát thời gian bán, số lượng xăng dầu bán ra của từng mã bán hàng ở tất cả các cột bơm xăng dầu tại 29 cửa hàng trên địa bàn tỉnh, giúp quản lý chặt chẽ, kịp thời và có cơ sở dữ liệu thông tin truy vết giải quyết khi có kiến nghị của khách hàng, qua đó góp phần ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại và mang đến sự hài lòng cho khách hàng.

Đây chính là một trong rất nhiều lợi ích mà Công TNHH MTV Xăng dầu Thái Bình (Petrolimex Thái Bình đạt được khi tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của doanh nghiệp.

Tính đến tháng 6/2023 trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 239 cửa hàng xăng dầu thuộc 105 doanh nghiệp

Tính đến tháng 6/2023 trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 239 cửa hàng xăng dầu thuộc 105 doanh nghiệp

Theo đại diện, Petrolimex Thái Bình, là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng, chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh. Sự đổi mới vừa mang lại hiệu quả quản lý, vận hành doanh nghiệp vừa làm minh bạch thị trường kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Toàn tỉnh hiện có 3 thành viên của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Petrolimex Thái Bình. Công ty có 29 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 2 điểm bán hàng là tàu trên sông. Với thị phần chiếm từ 35 - 40%, Petrolimex Thái Bình đóng vai trò quan trọng trong cung ứng xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Ông Trịnh Đăng Tuân - Phó Giám đốc Công ty cho biết: Mặc dù số cửa hàng xăng dầu (CHXD) của chúng tôi chỉ chiếm hơn 11% trong tổng số CHXD trên địa bàn tỉnh nhưng nhờ chất lượng xăng dầu tốt và ổn định, thiết bị đo đếm đạt quy chuẩn nên được nhiều người tiêu dùng tin tưởng sử dụng thường xuyên, lâu dài. Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay chúng tôi đã cung ứng ra thị trường gần 44.000m3 xăng dầu các loại, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Người tiêu dùng lựa chọn sử dụng xăng dầu của Petrolimex bên cạnh uy tín về chất lượng còn vì nhân viên tại các CHXD phục vụ chuyên nghiệp, minh bạch. Để có được điều đó, Petrolimex Thái Bình đã làm tốt công tác tập huấn chuyên môn cho người lao động và đầu tư hơn 600 triệu đồng mua sắm, lắp đặt các thiết bị giám sát tự động từ xa. Công ty sử dụng phần mềm quản lý Erp-Sap tích hợp với phần mềm Egas, đây là hệ thống giám sát, lưu trữ thông tin tới từng mã bán hàng tại các CHXD làm cơ sở dữ liệu thông tin quản lý kinh doanh và truy vết giải quyết khi có kiến nghị của khách hàng. Hệ thống phần mềm này cũng giúp doanh nghiệp quản lý tồn kho, áp giá xăng dầu tự động đồng bộ, chính xác, kịp thời tới tất cả các cột bơm khi có sự điều chỉnh về giá theo quy định. Ngoài ra, Petrolimex Thái Bình còn niêm yết công khai số điện thoại tổng đài đường dây nóng tại các CHXD để tiếp nhận ý kiến phản ánh, hướng dẫn, tư vấn, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng.

Toàn tỉnh Thái Bình có 91 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Toàn tỉnh Thái Bình có 91 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Tiện ích từ chuyển đổi số

Theo một cửa hàng trưởng cửa bán hàng tại cửa hàng xăng dầu PVOIL chia sẻ: Thực tế việc áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh cho thấy, trước kia, mỗi khi cần xác định lượng xăng dầu, nhân viên phải mở bể ra đo bằng phương pháp thủ công, do đó không thể tránh khỏi sai số khi đo, tốn thời gian và thiếu an toàn. Ngoài ra, việc mở bồn chứa hàng ngày có thể gây ô nhiễm nhiên liệu bên trong hoặc bị nhiễm nước, gây ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu. Nhưng hiện nay, nhờ việc đầu tư hệ thống tự động hóa đo bồn và phần mềm Egas, công ty có thể theo dõi mức nhiên liệu trong bồn và cung cấp các thông tin về tình trạng bên trong bồn bể như: Thể tích bể, nhiệt độ bể, cảnh báo mức nhiên liệu cao hoặc thấp.

Chính vì vậy, thời gian qua, mặc dù vào thời điểm xăng dầu biến động mạnh về giá, trong khi các cửa hàng thuộc hệ thống khác có thể treo biển “hết hàng” bất thường thì tất cả các cửa hàng của Công ty không xảy ra tình trạng này. Công ty và cơ quan chức năng có thể kiểm tra ngay mà chưa cần đến trực tiếp hiện trường.

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình PVOIL có 20 cửa hàng. Trong đó có 14 cửa hàng do PVOIL đầu tư, 05 cửa hàng thuê và 01 cửa hàng hợp tác kinh doanh

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình PVOIL có 20 cửa hàng. Trong đó có 14 cửa hàng do PVOIL đầu tư, 05 cửa hàng thuê và 01 cửa hàng hợp tác kinh doanh

Theo đại diện PVOIL Thái Bình: Một trong những giải pháp ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả rõ rệt cho PVOIL đó là việc áp dụng hệ thống tự động thu nhận tín hiệu cột bơm tại các cửa hàng kinh doanh. Hệ thống này là sự kết hợp giữa phần cứng cột bơm, tủ điều khiển và phần mềm quản lý giúp giám sát và quản lý các hoạt động kinh doanh tại cột bơm. Từ đó, cho phép theo dõi hoạt động bán hàng của từng cột bơm theo thời gian thực, cung cấp thông tin về số lượng và tiền hàng theo từng lần bán và ca bán hàng, rút ngắn thời gian giao nhận ca, hỗ trợ thay đổi giá bán và áp giá từ xa và lưu nhật ký toàn bộ hoạt động bán hàng để phục vụ việc tra soát, đối chiếu cũng như lập báo cáo.

Điểm ưu việt của hệ thống này đó là việc điều chỉnh giá xăng dầu đồng loạt trên toàn hệ thống. Trước tình hình giá xăng dầu thay đổi liên tục như hiện nay, với hệ thống này, bộ phận quản lý tại trụ sở công ty chỉ cần vào phần mềm quản lý thao tác áp giá đúng thời điểm đó và click chuột, lập tức tất cả các cột bơm tại 20 cửa hàng của công ty sẽ đồng loại thay đổi giá một cách đồng bộ, chính xác tuyệt đối. Do vậy hạn chế được rất nhiều bất cập như: Phải ngừng bán, khách hàng phải chờ đợi lâu, chậm thời điểm thay đổi giá, không đồng bộ… khi chuyển đổi bằng thủ công như trước đây.

Không những vậy, các dữ liệu từ cột bơm như: Lịch sử từng lần bán hàng ra khỏi vòi bơm, thời điểm bán hàng, chi tiết giao dịch để đối chiếu được gửi ngay về phần mềm quản lý và lưu trữ trên nền tảng số theo thời gian thực. Sự minh bạch của dữ liệu cột bơm sẽ giúp công ty giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh với khách hàng và kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh tại mỗi cửa hàng, tránh các gian lận thương mại, gia tăng uy tín với khách hàng.

Còn theo đại diện công ty Xăng dầu Thái Bình: Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, Công ty đưa ứng dụng app Petrolimex ID vào hoạt động trong toàn hệ thống. Sử dụng app tiện ích này, khách hàng được hưởng nhiều dịch vụ chăm sóc và quyền lợi: Nhận thông tin về các chương trình chăm sóc khách hàng, tìm kiếm vị trí CHXD, cập nhật giá, tra cứu lịch sử giao dịch, tích điểm thưởng và tham gia các chương trình khuyến mại khác. Petrolimex Thái Bình còn phối hợp với hệ thống ngân hàng trang bị máy POS kết nối đồng bộ với app, phần mềm Egas và cột bơm tại các CHXD để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tạo sự tiện lợi cho khách hàng. 

Anh Phạm Đình Cường (xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho biết: Do xu hướng tiêu dùng hiện nay là không dùng tiền mặt vì nó văn minh và bảo đảm an toàn. Tôi thấy cách thức thanh toán của các CHXD thuộc hệ thống PVOIL rất linh hoạt, từ sử dụng QR Code mang đến trải nghiệm mới và thuận tiện cho người tiêu dùng.

Còn theo chị Lê Thị Mí – Kế toán Công ty Hùng Cường: Vừa qua, nhiều Công ty Xăng dầu trên địa bàn đều đưa vào ứng dụng giải pháp phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng tại hệ thống CHXD. Việc ứng dụng này rất tiện lợi cho khách hàng chúng tôi.

Toàn tỉnh hiện có 3 thành viên của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Petrolimex Thái Bình. Công ty có 29 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 2 điểm bán hàng là tàu trên sông (ảnh báo Thái Bình)

Toàn tỉnh hiện có 3 thành viên của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Petrolimex Thái Bình. Công ty có 29 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 2 điểm bán hàng là tàu trên sông (ảnh báo Thái Bình)

Ông Hoàng Minh Định - Giám đốc Công ty Petrolimex Thái Bình cho biết: Hóa đơn điện tử được khởi tạo và phát hành ngay sau thời điểm kết thúc từng lần bán hàng thông qua quy trình tạo log tự động kết nối với hệ thống phần mềm quản lý cửa hàng và phần mềm e-Invoice của Petrolimex. Đây là công nghệ mới giúp doanh nghiệp giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, đồng thời phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của người tiêu dùng. Đặc biệt, sử dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng sẽ giúp các chủ doanh nghiệp quản lý được lượng nhiên liệu thực tế sử dụng mà không cần phải cử người trực tiếp đến các CHXD như trước. Mặc dù việc thực hiện giải pháp phát hành hóa đơn điện tử mới này phát sinh thêm chi phí cho Petrolimex Thái Bình nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm triển khai nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu, nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước và mang đến sự hài lòng cho người tiêu dùng.

Theo Sở Công Thương: Với những hiệu quả từ việc tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh thông qua nền tảng công nghệ số, nhiều doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu xăng dầu của người dân, doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Để Thái Bình có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam

    Để Thái Bình có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam

    02:00, 13/07/2023

  • Thái Bình đưa văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc

    Thái Bình đưa văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc

    02:30, 10/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình: Minh bạch thị trường kinh doanh xăng dầu nhờ ứng dụng chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO