Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Cần thêm giải pháp cho nhà ở xã hội
Ngoài việc nới tiêu chí mua nhà ở xã hội, góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu thúc đẩy phát triển phân khúc này, vẫn cần thêm nhiều giải pháp khác…
>> Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Một số quy định thiếu tính thống nhất
Theo đó, mặc dù Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các quy định và yêu cầu liên quan đến hồ sơ, điều kiện, và thủ tục mua nhà ở xã hội đã khiến cho không ít người có nhu cầu nhưng khó tiếp cận được phân khúc này. Điều này tạo ra nhiều rào cản và khó khăn, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp nhưng không có hộ khẩu tại nơi bán nhà ở xã hội.
Để giải quyết thực trạng đã nêu, mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Văn Sinh cho biết, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ nới tiêu chí về cư trú, thu nhập, giúp người dân dễ tiếp cận nhà ở xã hội.
Cụ thể, theo ông Sinh, trước đây có 3 tiêu chí xác định người được mua nhà ở xã hội là cư trú, thu nhập và diện tích nhà ở thì ở Dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở sẽ bỏ yêu cầu về cư trú.
“Chúng tôi xác định đã là công dân Việt Nam thì được quyền mua nếu đủ điều kiện về thu nhập, nhà ở”, ông Sinh chia sẻ.
Cũng theo ông Sinh, tiêu chí về mức thu nhập cũng sẽ được nâng cao hơn, diện tích nhà ở nếu trước đây quy định trung bình phải dưới 10 m2/người thì thời gian tới sẽ giao cho Chính phủ tùy theo từng thời kỳ có thể xem xét nâng lên 15 m2 giống như các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, Dự luật cũng tập trung nhóm chính sách dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Nếu như trước đây Luật yêu cầu dành 20% quỹ đất trong dự án nhà thương mại ở các đô thị loại 3 trở lên cho nhà ở xã hội, lần này Chính phủ trình theo hướng giao cho UBND cấp tỉnh chủ động.
UBND cấp tỉnh có thể quyết định dành 20% quỹ đất trong dự án nhà thương mại cũng như dành quỹ đất ở dự án độc lập để phát triển nhà ở xã hội.
“Đây là điểm quan trọng giúp đáp ứng quỹ đất phát triển nhà ở xã hội”, ông Sinh nói…
>> Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Cần mở rộng đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội
Những đề xuất đã nêu nhận được sự tán thành của dư luận, đặc biệt, trong bối cảnh không ít các tiêu chí đã và đang tạo ra vướng mắc trong việc tiếp cận nhà ở xã hội của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nới lỏng một số điều kiện cho người mua nhà ở xã hội sẽ tạo thuận lợi hơn cho người có nhu cầu, tuy nhiên, cần xem xét việc người mua nhà ở xã hội làm ở đâu, thu nhập thế nào thì mới được mua để thuận lợi trong việc trả nợ.
Ngoài ra, khó khăn về nhà ở xã hội lâu nay vẫn là thiếu quỹ đất. Vì vậy, Nhà nước cần sớm tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp tham gia đấu giá làm nhà ở xã hội. Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, sẽ gia tăng cơ hội cho người thu nhập thấp mua được nhà.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, việc bỏ điều kiện cư trú khi mua nhà ở xã hội là đương nhiên vì chúng ta đã bỏ sổ hộ khẩu, tuy nhiên, Chính phủ và các địa phương cũng cần cân nhắc, đưa ra quy định phù hợp nhằm quản lý hiệu quả ở các đô thị lớn. Bởi, khi bỏ quy định về cư trú, có thể xuất hiện tình trạng ồ ạt nhập cư vào các đô thị lớn, từ đó sẽ không bảo đảm về an sinh xã hội, chỉ tiêu dân số. Trong khi đó, các tỉnh cũng xây dựng nhà ở xã hội nhưng lại thừa…
Ở góc độ khác, góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội nhưng thực tế, một số đối tượng, như người có công với cách mạng, không thực sự “mặn mà” với nhà ở xã hội. Trong khi đó, một số đối tượng có nhu cầu rất cao về nhà ở xã hội thì chưa được quy định, như người có thu nhập trung bình thấp. Do đó, cần xem xét để mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
“Bên cạnh đó, cần bỏ quy định yêu cầu người mua nhà ở xã hội không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương, bởi quy định này phức tạp, gây ra nhiều yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến người dân. Thay vào đó, Dự thảo luật nên quy định theo hướng người được mua, thuê mua nhà ở xã hội là những người có mức thu nhập dưới mức phải nộp thuế”, TS Cấn Văn Lực bày tỏ.
Được biết, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã hoàn thành xây dựng 181 dự án nhà ở xã hội, với khoảng hơn 94.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 4,8 triệu m2. Bên cạnh đó, các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000 m2.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): “Nửa đóng, nửa mở” gây tắc nghẽn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
03:00, 17/08/2023
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Một số quy định thiếu tính thống nhất
03:50, 15/08/2023
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Cần mở rộng đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội
04:00, 12/08/2023
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Cần bỏ quy định về thời hạn trong giao dịch mua bán nhà ở
03:20, 10/08/2023
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Quan ngại việc chồng lấn quy định về bố trí tái định cư
04:30, 19/06/2023