Khủng hoảng Mixue và chuyện rủi ro nhượng quyền thương hiệu
Câu chuyện kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đã trở thành một vấn đề nóng khi mới đây, nhiều nhà đầu tư đồng loạt căng băng rôn đòi quyền lợi trước trụ sở của thương hiệu nhượng quyền Mixue…
>>Cần cơ chế cho nhượng quyền thương mại quốc tế
Những năm gần đây, việc nhượng quyền thương hiệu ngày càng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Hình thức kinh doanh này được coi là hình thức giúp những người có vốn, muốn khởi nghiệp nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ dễ dàng hơn trong việc tổ chức quản lý, vận hành một cửa hàng.
Tuy nhiên, nhượng quyền thương hiệu đi kèm không ít rủi ro. Một trong số đó là những vấn đề liên quan đến hình thức hợp tác khi công ty bán thương hiệu và người mua lại thương hiệu ký kết hợp đồng không rõ ràng.
Câu chuyện về thương hiệu Mixue vừa qua như một minh chứng điển hình. Theo đó, không ít chủ cửa hàng nhượng quyền Mixue đã vô cùng bức xúc khi phía công ty hạ giá bán sản phẩm xuống 25% nhằm tăng lượng khách nhưng chỉ hạ giá nguyên liệu đầu vào 10% khiến nhà đầu tư kinh doanh không có lãi. Đỉnh điểm của sự việc là ngày 29/9/2023, phía trước một căn liền kề ở Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội) được cho là trụ sở Công ty TNHH Snow King Global (đơn vị quản lý thương hiệu Mixue), vài chục chủ cửa hàng nhượng quyền Mixue đến từ khắp các tỉnh thành tập trung đòi quyền lợi.
Đại diện các cửa hàng cho biết, phía Mixue ra quyết định giảm 25% giá bán sản phẩm nhưng chỉ giảm giá nhập nguyên liệu đầu vào cho các chủ cửa hàng khoảng 8-10%. Giải thích về điều này, phía Mixue Việt Nam đưa ra lý do thuyết phục các chủ cửa hàng rằng khi giá bán giảm, lượng khách hàng sẽ tăng lên. Từ đây, các chủ cửa hàng sẽ gia tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, phía các cửa hàng lại cho rằng, hiện tại, số cửa hàng Mixue trên cả nước đã quá nhiều, lượng khách khó có thể tăng thêm. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao (khoảng 1 tỷ đồng) và mọi chi phí đi kèm như tiền thuê nhà, tiền thuê nhân viên, chi phí điện, nước đều tăng theo thời gian nhưng phía Mixue lại giảm giá bán sản phẩm khiến những nhà đầu tư kinh doanh không có lợi nhuận.
Chia sẻ dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Nguyễn Phi Vân, chủ tịch Công ty Go Global Holdings cho biết, những lùm xùm mấy ngày qua với thương hiệu nhượng quyền đến từ Trung Quốc cho thấy mô hình nhượng quyền chưa được hiểu đúng, hiểu đủ và ứng dụng một cách chuyên nghiệp ở Việt Nam. Do đó bà Vân cho rằng, đây cũng là những lý do mà các nhà đầu tư về nhượng quyền lựa chọn đầu tư không mang đến hiệu quả, thành công như kỳ vọng.
Cụ thể, với thương hiệu Mixue, nhà nhượng quyền đã ra thông báo sẽ giảm giá nguyên vật liệu 10% nhưng bắt buộc nhà đầu tư nhượng quyền giảm giá đến 25%. Như vậy, chi phí bán hàng không giảm tương ứng với giá bán sản phẩm, dẫn đến biên lợi nhuận thấp xuống, nhà mua nhượng quyền chịu thiệt.
“Chưa hết, khoảng cách mở các điểm bán trong chuỗi quá gần, ảnh hưởng đến lượt khách của cửa hàng. Đặc biệt, nhà nhượng quyền cũng không có chính sách bảo vệ, thậm chí còn "chèn ép" nhà đầu tư”, bà Vân nói.
>>Bảo vệ thương hiệu trong kinh doanh nhượng quyền
Xung quanh câu chuyện này, TS Trần Mai Hiến - Phó viện trưởng Viện Kinh tế xã hội số, chuyên gia hàng đầu về cạnh tranh, cho rằng, quyết định của Mixue có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam.
Cụ thể, theo TS Trần Mai Hiến, việc nhà nhượng quyền một thương hiệu kem nổi tiếng ở nước ngoài ra thông báo sẽ giảm giá nguyên vật liệu 10%, nhưng bắt buộc nhà đầu tư nhượng quyền giảm giá đến 25%. Như vậy, chi phí bán hàng không giảm tương ứng với giá bán sản phẩm, dẫn đến biên lợi nhuận thấp xuống, nhà mua nhượng quyền chịu thiệt.
“Hiện chưa thể khẳng định chủ sở hữu thương hiệu nhượng quyền này có vi phạm hay không vì cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, qua phân tích, tôi thấy có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh ở Việt Nam”, TS Trần Mai Hiến nói.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc giá bán thấp hơn giá thành là không đúng với quy định của pháp luật cạnh tranh. Đồng thời thương hiệu nhượng quyền F&B này yêu cầu các nhà nhận nhượng quyền đồng loạt giảm giá bán cũng không phù hợp với các quy định hiện hành. Những doanh nghiệp này đã đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam nên bị cấm áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng.
Để bảo vệ quyền lợi của những nhà nhận nhượng quyền, TS Trần Mai Hiến cho rằng, các cửa hàng cần làm việc cụ thể với chủ sở hữu thương hiệu nhượng quyền đó yêu cầu điều chỉnh lại chính sách sao cho phù hợp.
Nếu chủ sở hữu thương hiệu nhượng quyền này không thay đổi chính sách phù hợp, những nhà nhận nhượng quyền có thể khiếu nại lên Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia. Lúc này sẽ có căn cứ để xác định, đánh giá các vấn đề liên quan, từ việc giá nguyên liệu mà thương hiệu nhượng quyền cung cấp cho khách hàng của mình bao nhiêu, giá bán ra sao… tất cả sẽ được tính toán một cách cụ thể.
Câu chuyện này giống như chiết khấu trong lĩnh vực năng lượng mà các nhà bán lẻ lên tiếng đòi quyền lợi trong thời gian vừa qua. Khi giá cả và chiết khấu xuống thấp, thậm chí về 0 thì nhà bán lẻ kinh doanh không có lãi, thậm chí lỗ nếu tính các chi phí thuê mặt bằng, nhân công, vận chuyển.
Song, điểm khác của câu chuyện này với câu chuyện nhượng quyền của thương hiệu F&B kia là có thời điểm chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ thấp, nhưng có thời điểm chiết khấu cao, tuỳ theo diễn biến của thị trường.
“Còn với câu chuyện thương hiệu kem nhượng quyền do chủ sở hữu “áp đặt” các đơn vị nhận nhượng quyền phải đồng loạt giảm giá bán, tôi cho rằng, mục đích ở đây là để chiếm lĩnh thị phần so với các đối thủ khác. Nhưng việc mở rộng thị phần bằng việc vi phạm pháp luật cạnh tranh là không đúng. Đây cũng là hình thức áp đặt các điều kiện bất lợi với khách hàng (đơn vị nhận nhượng quyền). Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Cạnh tranh đối với các doanh nghiệp và thương hiệu độc quyền”, vị chuyên gia chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm