Quy hoạch không gian biển cho điện gió
Nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng phát triển điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII để đáp ứng nhu cầu điện trong nước cũng như xuất khẩu, nhưng hiện tại vẫn chưa có cơ chế phát triển các dự án này.
>> Thời điểm “chín muồi” khởi động ngành điện gió
Đó là chia sẻ của ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận với DĐDN. Theo ông Thịnh muốn thực hiện được mục tiêu xuất khẩu điện, Việt Nam cần nhanh chóng phê duyệt Quy hoạch không gian biển để các nhà đầu tư có cơ sở thực hiện.
Thưa ông, mặc dù Quy hoạch điện VIII đã được ban hành nhưng hiện tại các chính sách hiện thực hóa các mục tiêu về năng lượng, cũng như kế hoạch xuất khẩu điện vẫn còn chậm chạp, vậy ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những khó khăn này?
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn về điện gió ngoài khơi (ĐGNK) và đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn giàu kinh nghiệm từ nước ngoài. Việc đầu tư, khai thác nguồn điện sạch này không chỉ giúp chúng ta thực hiện cam kết net Zero vào năm 2050 mà còn có thể xuất khẩu điện.
Mục tiêu phát triển ngành năng lượng được đưa ra thể hiện rõ ràng trong từng con số tại Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta cũng chưa có cơ chế, chính sách cho nguồn điện sạch. Cơ chế giá FIT đã hết hiệu lực, cơ chế đấu thầu chưa hình thành, các nhà đầu tư đang bơ vơ trong “khoảng trống chính sách” và họ chỉ có thể xuống tiền nếu thấy chính sách phù hợp, mang tính ổn định lâu dài.
Nhìn lại việc thực hiện Quy hoạch điện VII chúng ta thấy rất nhiều dự án đã bị chậm, cả nguồn và lưới điện, đó là nguyên nhân chính gây thiếu điện ở miền Bắc trong tháng 5 và 6 vừa qua. Nguyên nhân “chậm” thì có nhiều, nhưng lớn nhất vẫn là vướng mắc liên quan đền bù giải phóng mặt bằng và chồng chéo các quy định pháp lý cũng như các quy hoạch ngành chưa có hướng dẫn giải quyết.
Hiện tại mặc dù Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt (cũng chậm hơn so với kế hoạch), nhưng chưa thấy giải pháp đột phá nào xử lý cho những bất cập này, đến nay vẫn chậm ra kế hoạch triển khai. Đặc biệt là chậm ra cơ chế chính sách để thu hút đầu tư khi nhu cầu nguồn vốn lên đến 135 tỷ USD từ nay đến 2030, trong đó biết rằng thời gian triển khai 1 dự án nguồn điện lớn cần 7-10 năm mới hoàn thành.
>> Dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp: Khi nào mới có giá bán chính thức?
Trong các bất cập trên thì điều kiện nào khó có thể đạt được khả thi, thưa ông?
Theo tôi khó nhất vẫn là có được bản Quy hoạch không gian biển mang tính tổng thể và lâu dài. Đây là việc liên quan đến rất nhiều bộ ngành, kể cả an ninh và quốc phòng nên chắc chắn cần làm kỹ và mất nhiều thời gian.
Việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới giúp tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Trong đó quy hoạch vùng bờ và quy hoạch không gian biển sẽ mở ra cơ hội khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng gió biển, nguồn năng lượng tái tạo quan trọng để đạt mục tiêu về khí hậu của Việt Nam.
Mặt khác việc chồng lấn giữa Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời với quy hoạch khoáng sản quốc gia thời gian vừa qua đang làm khó các nhà đầu tư, dù đã được địa phương cấp phép. Điều này tôi cho rằng cũng là một bất cập lớn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông để điện gió ngoài khơi được phát triển như mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu thì chúng ta cần sớm hoàn thiện các điều kiện nào?
Như tôi đã nói, cần phải hoàn thiện cả 2 điều kiện về giá và quy hoạch từ đó có cơ chế, chính sách phù hợp cho điến gió và kinh tế biển. Do vậy theo tôi để hoàn thành mục tiêu đạt 6.000MW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nếu chúng ta sớm giải quyết được 2 điều kiện trên thì việc bùng nổ điện gió ngoài khơi sau năm 2030 sẽ hoàn toàn đạt được và đem lại nhiều triển vọng phát triển kinh tế cho Việt Nam.
Về xuất khẩu điện: Khi đường dây, hệ thống truyền tải liên kết với các nước trong khu vực chưa sẵn sàng thì việc làm dự án để xuất khẩu điện sẽ có chi phí rất lớn và giá bán sẽ phải rất cao.
Do đó ở thời điểm hiện nay, khi chưa có cơ chế chính sách cho ĐGNK thì rất cần có vài dự án thí điểm ở cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam, điều này không những cung cấp thông tin chính xác cho việc hoạch định chính sách, ban hành chính sách sát với thực tiễn mà còn làm giải tỏa cơn khát ĐGNK kéo dài đã nhiều năm nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Cần có hàng lang pháp lý cho điện gió ngoài khơi
00:10, 29/09/2023
Thời điểm “chín muồi” khởi động ngành điện gió
15:30, 04/08/2023
Thái Bình: Đẩy mạnh phát triển điện gió
02:36, 26/06/2023
Hải Phòng: Phát huy tiềm năng điện gió huyện đảo Bạch Long Vĩ
08:34, 23/06/2023
“Bùng nổ điện gió” và thách thức với Project Logistics
04:00, 14/06/2023
Dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp: Khi nào mới có giá bán chính thức?
11:30, 06/06/2023
Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành
08:07, 18/05/2023