Sửa Luật Thủ đô: Cần đưa ra cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư
Để đạt được hiệu quả trong việc chủ động thu hút đầu tư, xứng với tiềm năng phát triển của Thủ đô, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, cần đưa ra cơ chế phù hợp…
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần có định mức xây dựng riêng cho Hà Nội
Mặc dù TP. Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư, thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, những kết quả này vẫn chưa xứng với tiềm năng phát triển của Thủ đô. Để đạt được hiệu quả trong việc chủ động thu hút đầu tư hơn nữa, Hà Nội cần xây dựng thêm các chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đã nêu, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã dành chương IV để đề cập về vấn đề tài chính ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô. Dù đánh giá cao những đề xuất được đưa vào, trong đó có quy định về nhà đầu tư chiến lược tại Điều 44 và 45 của Dự thảo, tuy nhiên, theo chuyên gia, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần có những quy định cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên. Đồng thời, có chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư đến với Thành phố.
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Nguyễn Thị Yến - Trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá, Dự thảo Luật (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có quy định về nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô. Các quy định về nhà đầu tư chiến lược chỉ nằm trong một điều của Dự thảo nhưng khá chi tiết, từ quy định về danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược; Các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng; Các ưu đãi mà nhà đầu tư chiến lược được hưởng; Trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Các quy định này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên, có phần chưa đầy đủ, chưa rõ ràng cần được hoàn thiện hơn.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần cơ chế cụ thể cho phát triển giáo dục
Theo TS Nguyễn Thị Yến, việc nhà đầu tư chứng minh năng lực về tài chính, năng lực quản trị, công nghệ phải được thể hiện bằng các minh chứng cụ thể và phải đáp ứng trong suốt quá trình thực hiện dự án. Hà Nội có thể tham khảo Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết này quy định năng lực tài chính mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng bằng số tiền cụ thể, tương ứng với các lĩnh vực mà nhà đầu tư dự định đầu tư (khoản 3 Điều 7). Có như vậy, nhà đầu tư mới có thể thực hiện được các dự án trọng điểm, có ý nghĩa quyết định đến vị thế đầu tàu của Thủ đô.
Đi kèm với điều kiện này, Thành phố cần quy định cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhà đầu tư chiến lược; Quy định về chế tài nếu nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu. Điều này sẽ tránh được trường hợp có thể ngay từ thời điểm được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ tìm mọi cách để đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện của nhà đầu tư chiến lược (Ví dụ: Vay vốn tại ngân hàng để đáp ứng điều kiện về vốn) nhưng sau khi được lựa chọn trở thành nhà đầu tư chiến lược để thực hiện dự án, họ lại không đảm bảo điều kiện trong suốt quá trình thực hiện (Ví dụ: Rút vốn để trả nợ ngân hàng, dẫn đến năng lực tài chính không đảm bảo...).
“Các nội dung này có thể được quy định tại 1 điều của Dự thảo Luật, có thể được hướng dẫn trong Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật nhưng phải rõ ràng, cụ thể và đảm bảo tính khả thi”, TS Nguyễn Thị Yến đề xuất.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Yến, điều kiện có “kinh nghiệm thực hiện thành công ít nhất một dự án tương tự với tổng mức đầu tư ít nhất bằng mức vốn quy định đối với danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược…” khó khả thi. Bởi, các dự án trọng điểm của Thủ đô không quá nhiều và không dự án nào hoàn toàn tương tự với dự án nào, nhất là thực hiện trong danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô.
Nếu phải thực hiện thành công ít nhất một dự án tương tự với tổng mức vốn quy định đối với danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược mới thỏa mãn điều kiện, thì Dự thảo đang bó hẹp đối tượng nhà đầu tư được lựa chọn để trở thành nhà đầu tư chiến lược. Vì có những nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, năng lực quản trị, công nghệ và có thể đã thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn, quan trọng nhưng nếu chưa từng thực hiện dự án nào tương tự như dự án nhà đầu tư dự định tham gia thì sẽ không thỏa mãn điều kiện.
“Hơn nữa, để “có kinh nghiệm”, nhà đầu tư phải “đã thực hiện dự án” nhưng để “thực hiện dự án” tương tự, đòi hỏi phải “có kinh nghiệm” mới thỏa mãn điều kiện. Vì thế, quy định này nếu được thông qua sẽ khó áp dụng và bỏ sót các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực, có nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án quan trọng nhưng không “tương tự” như dự án mà nhà đầu tư dự định tham gia.
Do đó, dự thảo Luật nên chỉnh sửa điều kiện này, bỏ chữ “tương tự” và giữ nguyên các nội dung khác. Như thế sẽ làm tăng tính khả thi của quy định này, đồng thời tạo điều kiện cho Thủ đô có thể lựa chọn được các nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu khi triển khai các dự án trọng điểm”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Cần có định mức xây dựng riêng cho Hà Nội
04:00, 12/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần cơ chế cụ thể cho phát triển giáo dục
04:00, 09/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc cơ chế tạo nguồn lực tài chính phát triển Thủ đô
04:00, 08/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần tường minh, chặt chẽ trong chính sách thu hút nhân tài
04:00, 01/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ
04:00, 29/09/2023