Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc cơ chế tạo nguồn lực tài chính phát triển Thủ đô

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 08/10/2023 04:00

Để xây dựng Hà Nội xứng tầm với vị thế trung tâm của cả nước, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể hơn nội dung về nguồn lực tài chính…

>> Sửa Luật Thủ đô: Cần tường minh, chặt chẽ trong chính sách thu hút nhân tài

Theo đó, liên quan về tài chính, ngân sách, Điều 36 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất, ngân sách TP. Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, vùng Thủ đô, các dự án PPP, dự án giao thông công cộng, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.

Điều 36 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất, ngân sách TP. Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển - Ảnh minh họa

Điều 36 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất, ngân sách TP. Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển - Ảnh minh họa

Đồng thời, Dự thảo cũng đề xuất cho phép HĐND TP. Hà Nội quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để đầu tư các dự án liên tỉnh trong vùng Thủ đô và hỗ trợ các địa phương phát triển.

Không chỉ có vậy, nhằm thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Dự thảo Luật (sửa đổi) còn đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù như: Cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; Mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và phân quyền cho HĐND TP. Hà Nội quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn  hóa, thể thao của Thủ đô;

Quy định dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô; Quy định về đối tượng ưu đãi đầu tư; nội dung ưu đãi, trong đó chủ yếu là tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp;…

Trước các đề xuất đã nêu, đa số ý kiến đều tán thành, Hà Nội với vị thế trung tâm của cả nước, việc dành nguồn lực tài chính để hỗ trợ phát triển Thủ đô là điều cần thiết, tuy nhiên, cần có quy định cụ thể hơn về nội dung này.

>> Sửa Luật Thủ đô: Cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ

Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về cơ chế tạo nguồn lực cho phát triển Thủ đô - Ảnh minh họa

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về cơ chế tạo nguồn lực cho phát triển Thủ đô - Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề này, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Hữu Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại cho rằng, về huy động nguồn lực tài chính cho Thủ đô, chúng ta cần tiếp cận theo hướng, Luật Ngân sách Nhà nước là luật chung, quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các địa phương.

Luật Thủ đô là luật riêng, có thể quy định những nội dung mang tính đặc thù. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách Nhà nước cần ghi nhận nguyên tắc công nhận tính đặc thù, ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô khi có sự khác biệt liên quan đến huy động ngân sách của chính quyền thành phố Hà Nội. Việc quy định theo hướng này sẽ đảm bảo nội dung về huy động nguồn lực tài chính trong Luật Thủ đô, vừa phù hợp Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Còn theo TS Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã xác định phạm vi, đối tượng các lĩnh vực được ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện để xác định nhà đầu tư chiến lược, tuy nhiên, cần làm rõ căn cứ, đánh giá cụ thể các tiêu chí để xác định quy mô của dự án cũng như năng lực nhà đầu tư đảm bảo phù hợp quy hoạch tổng thể.

Cùng với đó, cần lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu theo quy trình thông thường thì các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khó tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên.

Về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, TS Vũ Như Thăng đề xuất, vẫn nên áp dụng mức trần vay nợ để đảm bảo khả năng trả nợ, cân đối hài hòa giữa nhu cầu đầu tư phát triển với khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn khác và quy mô thu ngân sách. Để đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo sự đột phá cho địa phương, có thể quy định mức trần vay nợ từ 150 - 200% tổng thu ngân sách hưởng theo phân cấp.

Được biết trước đó, thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với các quy định về các chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô tại Chương IV nhưng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn một số nội dung để bảo đảm tính khả thi.

Cụ thể, xác định tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP. Hà Nội được hưởng theo phân cấp (khoản 4 Điều 35); nghiên cứu để có các quy định phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội trong phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) (Điều 39), thực hiện mô hình thử nghiệm có kiểm soát (Điều 41) và quản lý tài sản công (Điều 42); các chính sách ưu đãi về thuế, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược (Điều 45);…

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần tường minh, chặt chẽ trong chính sách thu hút nhân tài

    Sửa Luật Thủ đô: Cần tường minh, chặt chẽ trong chính sách thu hút nhân tài

    04:00, 01/10/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ

    Sửa Luật Thủ đô: Cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ

    04:00, 29/09/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần quyết liệt di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch

    Sửa Luật Thủ đô: Cần quyết liệt di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch

    04:00, 21/09/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội

    Sửa Luật Thủ đô: Cần cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội

    04:00, 20/09/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Băn khoăn quy định thúc đẩy liên kết, phát triển Vùng Thủ đô

    Sửa Luật Thủ đô: Băn khoăn quy định thúc đẩy liên kết, phát triển Vùng Thủ đô

    04:00, 18/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc cơ chế tạo nguồn lực tài chính phát triển Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO