Luật Thủ đô 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc phân quyền, phân cấp và định hướng phát triển toàn diện Thủ đô.
Theo đó, từ ngày 1/1/2025, Luật Thủ đô 2024 chính thức có hiệu lực. Luật bám sát 5 quan điểm chỉ đạo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, Luật ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của 3 Nghị quyết (Nghị quyết 15, Nghị quyết 06 và Nghị quyết 30 năm 2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Luật có ý nghĩa đặc biệt và triển khai Luật Thủ đô một cách nghiêm túc, kịp thời, nhanh chóng sẽ mở ra sớm hơn các cơ hội để Thủ đô Hà Nội có những đột phá, vượt trội trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Là thành viên Tổ Biên tập Luật Thủ đô 2024, ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Luật dành riêng một chương để quy định cơ cấu tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội với rất nhiều nội dung phân quyền của các cơ quan Trung ương cho TP Hà Nội. Đặc biệt, các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, xây dựng đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển giao thông công cộng), cùng các chính sách phát triển văn hóa, khoa học công nghệ và an sinh xã hội được bổ sung, giúp tăng tính chủ động cho Hà Nội. Cùng với đó, Luật tiếp tục bổ sung các cơ chế đã có sẵn về tài chính như huy động nguồn lực về tài chính và quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông...
“Luật Thủ đô 2024 có rất nhiều cơ chế, chính sách vượt trội so với các thể chế hiện hành chung, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển. Quy định về áp dụng Luật Thủ đô là hoàn toàn mới và khác với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật Thủ đô là luật đặc thù từ phân cấp, phân quyền, đặc thù từ cơ chế, chính sách, khác với các Luật khác. Luật Thủ đô được quyền khác với Luật khác và không chịu ràng buộc bởi các Luật khác”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh thông tin.
Nhận định Luật đã thể chế hóa các cơ chế đặc thù để Thủ đô đạt mục tiêu trở thành thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" vào năm 2030, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ cho biết, Luật có quy định riêng về mô hình chính quyền đô thị áp dụng cho TP Hà Nội và có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến những điều kiện đặc thù đúng với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" đã được Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo các cấp của Quốc hội, Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh trong thời gian gần đây. Những điều khoản đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong nội dung trao trách nhiệm, trao quyền cho Thủ đô được thể hiện theo hướng ưu tiên áp dụng trong hệ thống pháp luật.
“Luật cũng sẽ giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế đang gặp phải trong suốt thời gian qua như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, về an sinh xã hội. Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp thành phố có thể khắc phục các bất cập hiện nay về kiến trúc cảnh quan, giao thông, ô nhiễm môi trường”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thuỷ nhấn mạnh.
Còn theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Luật dành tới 14-15 chính sách đặc thù về quy hoạch; đặc biệt phân cấp, phân quyền cho Hà Nội rất lớn. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện đồng bộ các quy hoạch, đây là sự linh hoạt về cơ chế của TP Hà Nội - là công cụ sắc bén để tổ chức thực hiện Luật Thủ đô 2024. Riêng về công tác quy hoạch trong Luật Thủ đô có rất nhiều quy định về cơ chế, chính sách đặc thù, như về điều chỉnh quy hoạch, công tác phê duyệt các dự án, chọn chủ đầu tư, xác định nguồn lực…
"Có thể nói, trong Luật Thủ đô 2024, công tác quy hoạch là lĩnh vực quan trọng được chú ý. Tôi tin tưởng, nếu chúng ta thấm nhuần trọng trách được Nhà nước giao, với tinh thần tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm sẽ đưa Thủ đô lên tầm cao mới. Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hóa những vấn đề trong chính sách đặc thù đã được xác định trong Luật Thủ đô 2024 để tạo ra những đột phá, phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô trong kỷ nguyên mới", TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.