Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ cơ sở pháp lý về xác định Vùng Thủ đô
Được cho là một trong những nội dung quan trọng tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, quy định xác định Vùng Thủ đô vẫn còn chồng lấn, đan xen…
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần đưa ra cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư
Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, Vùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia; địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Cụ thể, trên cơ sở quy định liên quan đến vùng Thủ đô của Luật Thủ đô 2012 và các quy định của Nghị định số 91/2021/NĐ-CP, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số nội dung về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.
Vùng Thủ đô gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Chính quyền địa phương trong vùng Thủ đô có trách nhiệm phối hợp, huy động nguồn lực để thực hiện liên kết vùng; bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong vùng Thủ đô.
Chính quyền TP. Hà Nội có trách nhiệm chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch Vùng Thủ đô sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phê duyệt, thực hiện và huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư trong vùng Thủ đô hoặc dự án đầu tư tại các tỉnh khác trong Vùng.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần có định mức xây dựng riêng cho Hà Nội
Cũng theo Dự thảo Luật (sửa đổi), lĩnh vực phối hợp của Vùng Thủ đô là tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm sau: Quy hoạch xây dựng; Bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch; Phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; Phát triển khoa học và công nghệ; Phát triển nông nghiệp sinh thái theo chuỗi giá trị; Quản lý đất đai; Quản lý dân cư và phát triển, quản lý nhà ở; Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Phát triển và quản lý hệ thống giao thông vận tải.
Cho ý kiến về nội dung đã nêu, không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng, quy định xác định Vùng Thủ đô trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang có sự đan xen, chồng lấn với phạm vi của một số vùng phát triển kinh tế - xã hội hiện có.
Theo đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, Luật Thủ đô là đạo luật hết sức đặc biệt và quan trọng, nhưng không thay thế cho cả hệ thống pháp luật mà chỉ áp dụng cho Thủ đô những cơ chế, chính sách đặc thù khác với các quy định của Luật để đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý, phát triển, bảo vệ Thủ đô xứng tầm với vị thế, vai trò là trung tâm đầu não chính trị, hành chính, trung tâm lớn về kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa của cả nước.
Cho nên, thay vì thiết lập cơ chế Vùng Thủ đô, Dự thảo Luật (sửa đổi) nên quy định mối quan hệ liên kết giữa Thủ đô với chính quyền địa phương ở các tỉnh giáp ranh với TP. Hà Nội. Đây là cơ sở để xây dựng cơ chế phối hợp, giải quyết các nội dung liên quan đến nhiều địa phương, như vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, xây dựng chuỗi đô thị thông minh… để hỗ trợ, tạo động lực phát triển.
Từ đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị, trong Dự thảo Luật cần làm rõ cơ sở pháp lý của việc thiết lập cơ chế Vùng Thủ đô và sự cần thiết quy định cơ chế này trong Luật cũng như chức năng, nhiệm vụ và cơ sở của việc quy định Hội đồng điều phối vùng Thủ đô và hiệu quả tác động như thế nào?
Lưu ý vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung của Dự thảo Luật có liên quan đến các Dự thảo Luật khác đang được sửa đổi, bổ sung, tránh trùng lặp và không quy định lại những nội dung đã quy định trong luật khác.
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), liên quan đến nội dung này, PGS.TS Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, trong 10 lĩnh vực phối hợp trọng tâm, cần bổ sung thêm 2 nội dung là đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chính hai nội dung này mới làm rõ vai trò tiên phong, chủ đạo, hình mẫu của Thủ đô hiện đại trong Vùng Thủ đô cũng như vai trò khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Bên cạnh đó, cần phân quyền cho UBND TP. Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài để tạo thành một mạng lưới đô thị, trong đó mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế, thông qua kết nối quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai và tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải xuyên biên giới; kết nối không chỉ các đô thị trong Vùng Thủ đô mà còn với các đô thị đặc biệt tại Việt Nam, thủ đô của các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Á và thế giới.
“Quy hoạch Vùng Thủ đô cũng cần được gắn với định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán…”, PGS.TS Hoàng Tùng góp ý.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Cần đưa ra cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư
04:00, 15/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần có định mức xây dựng riêng cho Hà Nội
04:00, 12/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần cơ chế cụ thể cho phát triển giáo dục
04:00, 09/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc cơ chế tạo nguồn lực tài chính phát triển Thủ đô
04:00, 08/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần tường minh, chặt chẽ trong chính sách thu hút nhân tài
04:00, 01/10/2023