Đất hiếm, cần chính sách và nguồn lực để phát triển
Đất hiếm là nguồn tài nguyên quý giá không thể thiếu trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ, tuy nhiên việc khai thác, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
>>Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ IV): Cơ hội nào cho đất hiếm Việt Nam?
Tài nguyên chiến lược
Đất hiếm là một trong 6 nguyên liệu được các quốc gia trên thế giới săn lùng bao gồm: Cobalt, đồng, lithi, nickel và silicon, đây là nguồn tài nguyên quý để phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ như công nghệ pin mặt trời, tua bin gió, xe điện, pin lưu trữ, cáp và dây dẫn.
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam có trữ lượng khoảng 22 triệu tấn và được đánh giá đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Nguồn nguyên liệu này được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do nhiều nước trên thế giới sẽ triển khai các công nghệ sạch, phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon trong tương lai.
Để nghiên cứu về tài nguyên này, các chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản cho biết, chúng ta quan tâm đến 2 vấn đề gồm: Nghiên cứu chế biến sâu đất hiếm từ quặng đất hiếm Việt Nam và nghiên cứu ứng dụng đất hiếm trong các ngành kinh tế kỹ thuật.
Về chính sách, hiện nay, Việt Nam đang dần được hoàn thiện chính sách khoáng sản theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ban hành ngày 10/2/2022. Bên cạnh đó việc hoàn chỉnh dự án Luật Địa chất và khoáng sản (thay thế Luật Khoáng sản 2010) để trình Quốc hội cho ý kiến vào năm 2024 cũng đang được triển khai tích cực.
Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành công nghệ đất hiếm Việt Nam, PGS.TS Hoàng Anh Sơn đề xuất, trong thời gian tới, Nhà nước cần đặc biệt chú trọng đến chế biến đất hiếm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; phân chia, làm sạch các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nghiên cứu và sản xuất.
Bài toán về nguồn lực, công nghệ
Về quy trình sản xuất, GS Nguyễn Quang Liêm cho rằng trong quá trình khai thác, cần lập phương án chi tiết như đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến sâu đất hiếm ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ khai thác, chế biến nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu cuối cùng cho những sản phẩm công nghiệp có giá trị cao.
Theo TS Phạm Quang Minh - Tiến sĩ Hóa học, Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm, mặc dù Việt Nam có trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 thế giới nhưng hoạt động khai thác, chế biến sâu còn rất hạn chế.
Từ năm 1990 đến nay, Viện Công nghệ xạ hiếm có quá trình nghiên cứu liên tục về các giai đoạn khai thác, chế biến các loại quặng đất hiếm. Đến nay Viện đã có những kết quả nhất định về chế biến quặng đất hiếm như kết quả của đất hiếm Đông Pao, Yên Phú, Viện đã phát triển và làm chủ công nghệ chiết lỏng, phân chia tinh chế các nguyên tố đất hiếm.
Do đó, Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm cho rằng, để tiếp cận và tiến tới làm chủ công nghệ đất hiếm, bao gồm công nghệ sản xuất, áp dụng trên quy mô nhỏ và vừa, thậm chí vươn lên thành ngành công nghiệp đất hiếm, chúng ta cần có giải pháp cụ thể, trong đó ưu tiên công nghệ khai thác, chế biến.
Tuy nhiên để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, đại diện Viện Công nghệ xạ hiếm đề xuất:
Một là chúng ta cần có chính sách thu hút, tạo điều kiện để hợp tác với các đối tác nước ngoài có năng lực tài chính, công nghệ chế biến để tạo nền tảng cho việc nghiên cứu, khai thác.
Hai là, Việt Nam bước đầu đã có đội ngũ cán bộ, nền tảng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đất hiếm, nên cần tiếp tục tập trung xây dựng một Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ đất hiếm.
Xây dựng được cơ sở có đầy đủ trang thiết bị phòng thí nghiệm và quy mô pilot để nghiên cứu công nghệ đất hiếm.
Ngoài ra về nguồn lục phục vụ cho ngành công nghiệp này, Việt Nam cần xây dựng cơ sở đào tạo nguồn nhân lực lâu dài và chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ đất hiếm. Triển khai nhiệm vụ hợp tác quốc tế với một số viện nghiên cứu nước ngoài như: Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản.
Bên cạnh, nên triển khai một số mỏ đất hiếm lớn như mỏ Đông Pao, mặc đù đã được cấp phép khai thác từ nhiều năm nhưng hiện chưa tìm được đối tác cũng như công nghệ hiện đại để chế biến. Do đó cần phải có chiến lược hợp lý trên cơ sở phát huy nguồn lực nội tại và không thể thiếu chính sách, cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, với sự quyết tâm của cộng đồng các nhà khoa học, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ chủ động được công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và chế biến sâu đất hiếm phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo môi trường. Qua đó khẳng định được vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất hiếm Việt Nam.
“Bộ sẽ tập hợp những ý kiến của các nhà khoa học để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, qua đó đề xuất một số giải pháp công nghệ phục vụ cho quá trình khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam đạtkết quả cao, đáp ứng được mục tiêu phục vụ sản xuất và xuất khẩu”- Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ VII): Thế thống trị của Trung Quốc sẽ bị phá vỡ?
04:30, 02/09/2023
“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ VI): Cần chiến lược cho đất hiếm Việt Nam
04:00, 28/08/2023
"Cuộc chiến nảy lửa" đất hiếm (Kỳ V): Ám ảnh quá khứ đau buồn
04:30, 27/08/2023
"Cuộc chiến nảy lửa" đất hiếm (Kỳ IV): Cuộc chạy đua của các liên minh khoáng sản
07:00, 26/08/2023
Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ IV): Cơ hội nào cho đất hiếm Việt Nam?
04:00, 06/09/2023