Cần sớm “gỡ vướng” về chi phí định mức trong tính giá xăng dầu
Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, theo chuyên gia, cần sớm xử lý những bất ổn liên quan đến quy định về chi phí định mức trong tính giá xăng dầu…
>> Tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là cần thiết
Theo đó, trước hiện trạng liên tục bị “chèn ép” về chiết khấu, đại diện cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, TS Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bội Ngọc (Trà Vinh) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính Phủ - Lê Minh Khái và các bộ ngành liên quan.
Tại văn bản đã nêu, TS Giang Chấn Tây cho biết, hiện doanh nghiệp bán lẻ luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ và khó khăn về tài chính do thường xuyên bị chiết khấu 0 đồng dù Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Thông tư 104/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở xăng dầu bao gồm cả khâu bán buôn và bán lẻ.
Theo ông Tây, thực tế các đầu mối phân chia không đúng quy định, doanh nghiệp bán lẻ vẫn bị chèn ép. Kẽ hở xuất phát từ quy định của Bộ Tài chính không nêu rõ tỷ lệ phân chia chi phí này trong Nghị định và Thông tư.
“Doanh nghiệp bán lẻ nhận chiết khấu 0 đồng có nghĩa là họ hoàn toàn không được chia. Vậy chi phí định mức này đang ở đâu và ai đã hưởng hết phần này”, ông Tây bày tỏ.
>> Giá xăng dầu liên tục “leo thang”, có nên giữ Quỹ bình ổn?
Cũng theo ông Tây, thời gian qua, các doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị lên Bộ Tài chính về vấn đề này nhưng không nhận được phản hồi. Trước đó, Phó thủ tướng - Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trả lời cho doanh nghiệp về chi phí này. Tuy nhiên, đến 17/4 đã hết thời hạn quy định, các Bộ vẫn không trả lời và Chính phủ chưa có biện pháp can thiệp.
Đáng nói, theo các doanh nghiệp, một năm qua, khi kinh doanh xăng dầu, họ phải tự bỏ ra các khoản chi phí về điện, nước, lương, hao hụt, sửa chữa, lãi vay... điều này khá bất công nếu các doanh nghiệp bán lẻ không được hưởng chiết khấu.
Từ các tồn tại đã nêu, ông Tây cho rằng, nếu Thông tư 104/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính không điều chỉnh song song với Nghị định xăng dầu sửa đổi, bằng cách phân chia chi phí định mức theo tỷ lệ ở các khâu một cách rõ ràng, hiệu quả của việc sửa đổi Nghị định là không đáng kể và bất ổn trên thị trường xăng dầu sẽ tiếp diễn. Quy định hiện tại tạo kẽ hở cho doanh nghiệp đầu mối “chèn ép” doanh nghiệp bán lẻ, tạo xung đột lợi ích trong hệ thống kinh doanh xăng dầu không đáng có...
Thực tế, những bất ổn liên quan đến quy định về chi phí định mức trong tính giá xăng dầu không phải câu chuyện mới, trước đó, các doanh nghiệp bán lẻ, cùng các chuyên gia đã không ít lần lên tiếng. Và tại Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng - Lê Minh Khái về việc rà soát, điều chỉnh khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu mới đây. Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện việc rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu; chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Liên quan đến vấn đề này, thông tin với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, đề nghị xem xét, rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu mà Phó thủ tướng đề xuất là rất kịp thời. Trong quản lý, việc liên tục rà soát chi phí đối với mặt hàng do nhà nước định giá là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm yếu tố tính đủ, tính đúng cho doanh nghiệp, từ bán buôn đến bán lẻ. Công thức cố định, nhưng số liệu có thể thay đổi, kéo giá cơ sở thay đổi theo. Đặc biệt, phải rà soát luôn việc nên bỏ chi phí nào vì hiện nay không đáng kể, hay điều chỉnh thay đổi các loại chi phí ra sao. Sau dịch bệnh, các chi phí có thể tăng, nhưng nay ổn rồi, sẽ cắt giảm khâu nào…
Theo ông Long, dữ liệu Bộ Tài chính tham khảo để thông báo cho Bộ Công Thương về chi phí định mức kinh doanh cần phải bổ sung nguồn dữ liệu từ khâu bán lẻ xăng dầu… và để Nghị định về kinh doanh xăng dầu sửa đổi với nhiều quy định mới nhằm tiến đến thị trường minh bạch, cạnh tranh hơn phát huy hiệu quả, nhất thiết phải sửa đổi hoặc quy định rõ ràng hơn về chi phí định mức mà khâu bán lẻ phải được hưởng tại Thông tư 104/2021/TT-BTC. Không đưa quy định bao nhiêu phần trăm trong Nghị định sửa đổi, nhưng các khâu trong chuỗi kinh doanh cần có sự công bằng trong phân chia khoản định mức chi phí này.
“Theo tôi, các bộ cần ngồi lại với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, thương nhân phân phối… cùng nhau trao đổi để làm rõ vấn đề này. Đừng để một quy định mà một phía lại thua thiệt. Nên có sự trao đổi thẳng thắn, thiện chí hơn. Càng trao đổi, càng minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao trong doanh nghiệp từ bán buôn đến bán lẻ. Theo đó, thị trường mới ổn định, bền vững được”, ông Long đề xuất.
Được biết ngày 20/10 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình lại phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó, ngoài loạt chính sách mới được bổ sung, Dự thảo cũng đề xuất thời gian rà soát tính chi phí đưa xăng dầu về nước, về cảng, premium từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng. Mục đích cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Biến động giá xăng dầu ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao?
14:41, 17/10/2023
Tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là cần thiết
05:00, 17/10/2023
Ô tô chuẩn Euro 5 dùng xăng dầu cấp thấp, nỗi lo bị phá động cơ
05:00, 13/10/2023
Giá xăng dầu liên tục “leo thang”, có nên giữ Quỹ bình ổn?
04:00, 24/09/2023
Giá bán lẻ xăng dầu sẽ biến động nhẹ
01:46, 21/08/2023