Cần răn đe các đơn vị lơ là trong PCCC chung cư

TUẤN VỸ thực hiện 08/11/2023 11:00

Cháy nổ thường gây ra hậu quả nghiêm trọng và ẩn chứa nhiều rủi ro nên việc phòng cháy chữa cháy luôn được quan tâm và các đơn vị lơ là biện pháp an toàn cần được xử lý nghiêm.

>>Thuốc "đặc trị" bệnh phớt lờ PCCC ở chung cư

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Phạm Thảo - Công ty Luật FDVN (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ để răn đe các hành vi sai phạm, sai sót trong phòng cháy chữa cháy (PCCC) và yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh ngay lập tức để đảm bảo an toàn.

a

Luật sư Phạm Thảo - Công ty Luật FDVN (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng).

Thưa Luật sư, vừa qua tại Đà Nẵng nổi cộm lên vấn đề cư dân tại chung cư 12T1 Khu chung cư Làng cá Nại Hiên Đông hoang mang về hệ thống PCCC không hoạt động, nhiều vị trí hư hỏng. Ở góc nhìn pháp lý, bà nhận thấy vấn đề thực hiện vận hành và quản lý các chung cư đang có những lỗ hổng thế nào?

Cháy nổ thường gây ra hậu quả nghiêm trọng và ẩn chứa nhiều rủi ro nên việc phòng cháy chữa cháy luôn được nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong đó có vấn đề phòng cháy chữa cháy tại chung cư, nơi chứa nhiều nguy cơ có nhiều người sinh sống và khó kiểm soát khi có cháy càng được đặt ra vấn đề bảo trì, kiểm tra hệ thông phòng cháy chữa cháy thường xuyên. Việc trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải tuân thủ các yêu cầu của quy định pháp luật hiện hành.

Các khu chung cư thuộc danh mục cơ sở thuộc diện Quản lý về phòng cháy chữa cháy tại phụ lục I ban hành kèm Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, ban quản lý vận hành chung cư có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên; định kỳ 06 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra (theo điểm a, khoản 3 điều 16 nghị định 136/2020/NĐ-CP), cơ quan công an có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy định kỳ 06 tháng một lần đối với các Nhà chung cư cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên (Phụ lục II Nghị định số 136/2020/NĐ-CP); chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy định kỳ mỗi năm một lần.

Pháp luật quy định rõ trách nhiệm kiểm tra thường xuyên về hoạt động của hệ thống phòng cháy chữa cháy, nếu để tình trạng hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động nhưng vẫn không giải quyết dẫn đến sự lo lắng bất an đặt ra vấn đề trách nhiệm quản lý của ban quản lý vận hành chung cư và các cán bộ quản lý về phòng cháy chữa cháy tại địa phương. Do đó, chúng tôi cho rằng cần xem xét lại hệ thống vận hành phòng cháy chữa cháy, quy định trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan đến đảm bảo thực hiện đúng công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.

Theo Luật sư, tại Luật PCCC thì đơn vị quản lý và vận hành chung cư bắt buộc phải đảm bảo những yêu cầu nào trong bảo trì, sửa chữa và đảm bảo hệ thống PCCC hoạt động đúng quy định?

Việc bảo trì hệ thống PCCC thường xuyên sẽ giúp vận hành chữa cháy tốt khi có đám cháy hoặc sự cố, giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản.

Theo quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BCA quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được quản lý, bảo quản, bảo dưỡng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và yêu cầu của việc bảo quản, bảo trì như sau:

Thực hiện bảo quản, bảo dưỡng hằng ngày hoặc trước, trong và sau mỗi lần sử dụng phương tiện PCCC và do người được giao quản lý phương tiện PCCC thực hiện.

Bảo dưỡng định kỳ được thực hiện định kỳ hằng tháng, hằng quý và hằng năm tại nơi quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc cơ sở bảo dưỡng theo đúng quy định của nhà sản xuất và do thợ máy, kỹ thuật viên, người đã được đào tạo thực hiện; Nội dung bảo quản, bảo dưỡng: Kiểm tra tình trạng kỹ thuật chung của phương tiện, tổ chức đánh giá chi tiết chất lượng phương tiện, áp dụng quy định của nhà sản xuất về cấp bảo dưỡng, sửa chữa và tình hình thực tế tại cơ sở để có phương án bảo quản, bảo dưỡng phù hợp đối với từng loại phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sau khi thực hiện bảo quản, bảo dưỡng định kỳ phải được người được giao quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đánh giá, xác nhận và ghi đầy đủ vào sổ theo dõi phương tiện theo quy định của pháp luật.  Đơn vị quản lý và vận hành chung cư bắt buộc phải thường xuyên chỉ đạo hoặc trực tiếp kiểm tra tình trạng  hệ thống PCCC cơ sở mình theo đúng quy định của pháp luật dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.

Hệ thống PCCC tại

Hệ thống PCCC tại  chung cư 12T1 Chung cư Làng cá Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) không hoạt động khiến người dân lo lắng.

Về trách nhiệm, theo Luật sư nếu có sự cố xảy ra thì đơn vị quản lý và vận hành chung cư có thể đối mặt với những vấn đề nào?

Trong trường hợp đơn vị quản lý và vận hành không thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các quy định về bảo hành, bảo dưỡng, duy trì hoạt động của hệ thống PCCC thì có thể bị xử phạt hành chính, tùy từng hình vi có thể bị xử lý trách nhiệm hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm hành chính, theo Điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền với mức cao nhất lên đến 25.000.000 đồng đối với các hành vi như sử dụng phương tiện chưa chảy thông dụng không đảm bảo đúng chất lượng theo quy định của pháp luật; không lập hồ sơ quản lý phương tiện PCCC, không kiểm tra, bao dưỡng hệ thống phương tiện PCCC định kỳ; Không bảo quản trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân, chất chữa cháy theo quy định của pháp luật; Trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy chưa được kiểm định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật; Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở theo quy định của pháp luật; Không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp để xảy ra cháy, nổ thì theo Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cá nhân, tổ chức vi phạm có thể phạt tiền cao nhất đến 10.000.000 đồng.

Nếu vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy thuộc trong các trường hợp gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp như làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 2 đến 12 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, đơn vị quản lý chung cư phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về PCCC. Nếu xảy ra thiệt hại về người và tài sản do hỏa hoạn gây ra thì phải chịu những mức xử lý theo quy định, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Là chuyên gia về pháp lý, Luật sư có những đề xuất nào đến cơ quan chức năng để thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các đơn vị quản lý và vận hành chung cư thực hiện đảm bảo an toàn trong hoạt động PCCC?

Trách nhiệm duy trì hoạt động PCCC là trách nhiệm của tất cả mọi người, trong đó vai trò quản lý của các cơ quan chức năng là rất quan trọng và được quy định rõ trong quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng và cơ quan địa phương cần phối hợp với chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành chung cư thường xuyên lập kế hoạch kiểm tra, bảo hành bảo dưỡng các phương tiện PCCC, kiểm tra hệ thống nước, tiến hành kiểm tra định kỳ công tác bảo hành bảo dưỡng PCCC tại cơ sở mình quản lý, phạt vi phạm đúng quy định để răn đe các hành vi sai phạm, sai sót và yêu cầu chấn chỉnh ngay lập tức để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, nên phối hợp tổ chức các khóa tập huấn về công tác PCCC để mỗi người dân, cá nhân trang bị cho mình những kiến thức ứng phó, xử lý khi có cháy nổ xảy ra. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, thường xuyên rà soát, giám sát hệ thống bảo trì, phòng cháy chữa cháy của các tòa nhà chung cư cũng là giải pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa các nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Xin cảm ơn Luật sư về buổi trao đổi!

Có thể bạn quan tâm

  • Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu kiểm tra thông tin Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh

    Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu kiểm tra thông tin Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh

    00:06, 01/11/2023

  • Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng nói gì khi bị “tố” thiếu trách nhiệm trong PCCC?

    Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng nói gì khi bị “tố” thiếu trách nhiệm trong PCCC?

    11:00, 29/10/2023

  • Đà Nẵng: Người dân “tố” Trung tâm quản lý và khai thác nhà thiếu trách nhiệm trong PCCC

    Đà Nẵng: Người dân “tố” Trung tâm quản lý và khai thác nhà thiếu trách nhiệm trong PCCC

    00:20, 17/10/2023

TUẤN VỸ thực hiện