Kiến nghị đưa vào Luật, TOD sẽ tạo đột phá thu hút đầu tư?

HẠNH LÊ 16/11/2023 04:00

Phân cấp để Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư với dự án TOD là một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp lần này.

>>>Mô hình TOD: Cơ hội chỉnh trang các khu đô thị “ổ chuột”

Hà Nội là đô thị tiếp theo được phân cấp mạnh mẽ quyết định chủ trương đầu tư với dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng khối lượng lớn (TOD). Trước đó, mô hình TOD đã được quy định với TP Hồ Chí Minh, được đánh giá là điểm nhấn trong Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. 

Gia tăng nguồn lực

Từ những nghiên cứu của mình về mô hình TOD, TS. Mai Thị Mai - Phó trưởng bộ môn Luật Hiến pháp, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: đây là mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng và làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị; lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. TOD được đề xuất sử dụng là một cơ chế hiệu quả để khai thác nguồn lực từ đất đai.

TOD đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Anh… Các khu đô thị phát triển theo mô hình này thường được xây dựng quanh các ga tàu điện ngầm, xe buýt, đường sắt đô thị… có mật độ dân cư cao, tích hợp nhiều tiện ích như nhà ở, văn phòng thương mại, dịch vụ, giải trí…

Phát triển đường sắt trên cao là một trong những điều kiện thuận lợi để Hà Nội triển khai mô hình TOD

Phát triển đường sắt đô thị là một trong những điều kiện thuận lợi để Hà Nội triển khai mô hình TOD

Theo TS. Mai Thị Mai, TOD có thể góp phần củng cố kinh tế địa phương và là cơ hội tốt để các thành phố cải tạo cảnh quan đô thị, tái cấu trúc đô thị dọc hành lang của các tuyến giao thông công cộng khối lượng lớn. Các đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang triển khi xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.

Theo tính toán của Bộ Tư pháp, phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để phát triển đô thị nén, góp phần giảm giao thông cơ giới, tắc đường, ô nhiễm môi trường… Chỉ riêng việc giảm tắc đường đã tránh cho Hà Nội không bị thiệt hại từ 23.300 - 27.900 tỷ đồng, tương đương từ 1 - 1,2 tỷ USD/năm.

Ông Lê Trung Hiếu - Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nhìn nhận, trong phát triển đường sắt đô thị TOD tạo nguồn lực rất quan trọng để Nhà nước có thể thu hồi giá trị thặng dư từ đất và dùng chính nguồn lực này để đầu tư các công trình giao thông khối lượng lớn.

Thiếu cơ chế thu hút đầu tư phát triển TOD

Năm 2017, Hà Nội đã lập đồ án Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội và phụ cận theo mô hình TOD. Tuy nhiên, đồ án được đánh giá còn nhiều hạn chế như tập trung vào lợi ích thương mại, bỏ qua nhiệm vụ phát triển không gian công cộng, tăng cường kết nối xã hội; thiếu chia sẻ cơ hội chung cho cộng đồng… Những hạn chế này ẩn chứa nhiều rủi ro đầu tư bởi lẽ dự án quy mô rất lớn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong khi thực hiện trong thời gian dài.

Mô hình TOD cũng không thể triển khai tại Hà Nội bởi theo TS Mai Thị Mai, các chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực và thúc đẩy triển khai TOD bằng các quy định của pháp lí chưa được rõ nét. Trong khi đó, quy mô dự án TOD lên đến hàng tỉ USD không thể chỉ có sự tham gia của một vài doanh nghiệp, Hà Nội cần tạo cơ chế để thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ.

Thiếu cơ chế thu hút đầu tư cũng như kết nối không gian đồng bộ, ga Hà Nội với hơn 20.000m2 chưa thể triển khai theo mô hình TOD

Thiếu cơ chế thu hút đầu tư cũng như kết nối không gian đồng bộ, ga Hà Nội với hơn 20.000m2 chưa thể triển khai theo mô hình TOD

Quan trọng, thành phố cam kết độ tin cậy đầu tư từ dự án bằng việc công bố toàn bộ nội dung, kế hoạch, lợi ích, điều kiện góp vốn... để các nhà đầu tư thẩm định và tự chịu trách nhiệm về khoản đầu tư “hứa hẹn” này. Đây chính là thước đo chính xác nhất sự thành công hay thất bại của dự án TOD của Hà Nội.

Ngoài ra, để dự án TOD thành công cần mở rộng không gian liên kết. Không gian TOD không chỉ giới hạn trong diện tích của các nhà ga hay các tuyến đường sắt đô thị mà còn là hàng triệu mét vuông kinh doanh thương mại của chuỗi nhà ga, phố thương mại ngầm và nổi sẽ được hình thành. Ở đó, vừa có các không gian kinh doanh thương mại vừa có không gian phát triển mục đích công cộng…

“Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ghi nhận các nội dung để tạo động lực thúc đẩy việc hình thành mô hình TOD cho thấy tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển quy hoạch giao thông của Thủ đô Hà Nội. Đây là một định hướng có tính bền vững cao” - TS. Mai Thị Mai cho biết thêm.

Hầu hết các yêu cầu để có thể triển khai hoạt động phát triển định hướng giao thông công cộng đã được đề cập đầy đủ và hoàn chỉnh trong dự thảo Luật với sự phân cấp mạnh mẽ. Đồng thời, định hướng việc ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô ngay từ khía cạnh chính sách phát triển đô thị, quản lí hạ tầng, huy động nguồn tài chính ngân sách cho phát triển Thủ đô. Đặc biệt, cơ chế thu hút đầu tư xã hội và nhà đầu tư chiến lược.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM sẽ thí điểm triển khai một dự án TOD với Nhật Bản

    TP.HCM sẽ thí điểm triển khai một dự án TOD với Nhật Bản

    00:30, 28/09/2023

  • TP.HCM: Sẽ thí điểm mô hình TOD tại cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

    TP.HCM: Sẽ thí điểm mô hình TOD tại cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

    00:13, 17/08/2023

  • TP.HCM sẽ phát triển thêm 4 đô thị vệ tinh theo mô hình đô thị - TOD

    TP.HCM sẽ phát triển thêm 4 đô thị vệ tinh theo mô hình đô thị - TOD

    00:20, 16/07/2023

  • Mô hình đô thị TOD sẽ tạo đòn bẩy cho phía Đông TP.HCM

    Mô hình đô thị TOD sẽ tạo đòn bẩy cho phía Đông TP.HCM

    14:26, 08/06/2023

HẠNH LÊ