Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Giải pháp nào hạn chế thao túng, sở hữu chéo?
Để giải quyết bài toán sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, góp ý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có giải pháp đủ mạnh để xử lý…
>> Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần khung pháp lý cho mô hình tập đoàn tài chính
Theo đó, để hạn chế thao túng, sở hữu chéo, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.
Dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10% tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (hiện tại là 25%).
Đồng tình với sự cần thiết phải có chế tài, nhưng góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cho hay, thao túng, sở hữu chéo diễn ra rất tinh vi, quy định như đề xuất là chưa đủ, cần phải có giải pháp đủ mạnh để xử lý.
Cho ý kiến về vấn đề đã nêu, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, giới hạn tỷ lệ sở hữu và giới hạn cấp tín dụng nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo là cần thiết, nhưng quy định như vậy chưa đủ hiệu quả. Vấn đề cốt lõi là cần giám sát và chú trọng nhiều hơn với các trường hợp ông chủ ngân hàng cũng là chủ của doanh nghiệp lớn, để ngăn chặn tình trạng như đã xảy ra với Ngân hàng SCB vừa qua.
“Cần có các quy định thật chặt chẽ và hiệu quả để ngăn được tình trạng doanh nghiệp sân sau của ngân hàng, sở hữu chéo trong ngân hàng”, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Còn theo đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng, yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là nào chủ sở hữu thực sự trong mỗi ngân hàng.
“Do đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần phải cần xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động ngân hàng”, vị đại biểu này đề xuất.
>> Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Băn khoăn đề xuất giới hạn cấp tín dụng
Để đảm bảo tính khả thi, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần quy định cụ thể 2 vấn đề: Thứ nhất - minh bạch thông tin cổ đông ngân hàng thương mại, xác định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (cả tổ chức và cá nhân) và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần đến một tỷ lệ sở hữu cụ thể; Thứ hai - kiểm soát dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, trước đó, góp ý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tỷ lệ sở hữu tối đa ở các mức 5%, 15% và 20% như tại Việt Nam hiện nay đã tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra, làm tăng rủi ro của hệ thống…
Theo VCCI, tỷ lệ sở hữu của một số cổ đông cao không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu cao dễ dẫn đến xung đột lợi ích, khiến hoạt động cấp tín dụng thường được điều hướng vào cho các khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn mà không dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực phù hợp, từ đó mới gây mất an toàn cho ngân hàng. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu tối đa quá thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị ngân hàng, bởi khi sở hữu tỷ lệ vốn quá thấp, các cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các cổ đông lớn thường không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn mang theo cả công nghệ, quy trình quản trị vào các ngân hàng, giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.
Thêm vào đó, việc thay đổi pháp luật theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu sẽ khiến một số cổ đông hiện hữu phải bán lại cổ phần của họ. Điều 198.8 quy định chuyển tiếp của Dự thảo cũng yêu cầu các cổ đông hiện hữu phải có phương án và lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu theo Điều 54 phù hợp với hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Điều này không bảo đảm nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản theo Hiến pháp. Một số quốc gia khác khi có sự thay đổi quy định pháp luật theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thường chỉ áp dụng cho các giao dịch mua bán cổ phần sau khi quy định mới có hiệu lực, mà không bắt buộc các cổ đông hiện hữu phải bán cổ phần của mình.
Từ đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng: Thay vì giảm tỷ lệ sở hữu, đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan với cổ đông sở hữu từ 3% trở lên đối với cá nhân, 5% đối với tổ chức và 10% đối với nhóm cổ đông; Trong trường hợp vẫn quy định giảm tỷ lệ sở hữu thì không nên áp dụng hồi tố đối với các trường hợp đã sở hữu trước ngày luật này có hiệu lực.
Được biết, trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo, các quy định về kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội xem xét, chưa thông qua Dự thảo Luật này mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Áp dụng “can thiệp sớm” khi ngân hàng gặp khó
11:00, 06/11/2023
Sửa Luật các tổ chức tín dụng: Tư duy mới trong cách tiếp cận công nghệ tài chính
05:00, 21/08/2023
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần khung pháp lý cho mô hình tập đoàn tài chính
04:00, 15/06/2023
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Băn khoăn đề xuất giới hạn cấp tín dụng
11:30, 10/06/2023
Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
10:00, 09/06/2023