Sập bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” - Bài 2: Luật sư giả “tung hoành”
Tình trạng những công ty luật, luật sư bị mạo danh, lập tài khoản giả mạo để lừa đảo đang là vấn đề nhức nhối. Đáng nói, mục tiêu của nhóm tội phạm này chính là những nạn nhân đã từng bị lừa…
>>Sập bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” - Bài 1: Trăm dâu đổ đầu … “người dại”
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, thời gian gần đây, vấn nạn lừa đảo qua mạng xã hội tiếp tục nở rộ gây nhức nhối cho xã hội. Dù cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo nhưng số lượng nạn nhân vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Đáng nói, sau khi sập bẫy các đối tượng lừa đảo, thay vì ra cơ quan công an trình báo sự việc, nhiều người lại lựa chọn liên hệ các tài khoản giả danh luật sư trên mạng xã hội với mong muốn nhận được sự giúp đỡ, lấy lại được số tiền đã bị lừa. Tuy nhiên, vì nhẹ dạ cả tin, vì hy vọng sớm lấy lại được số tiền đã mất, các nạn nhân lại tiếp tục rơi vào cái bẫy của các đối tượng xấu. Và chỉ đến khi không thể liên hệ với các đối tượng này, nạn nhân mới gọi điện hoặc đến các công ty, văn phòng luật để xác minh, lúc này mới tá hỏa nhận ra mình lại bị lừa.
Luật sư “đâu đầu” vì bị giả mạo
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Đỗ Anh Thắng – Giám đốc Công ty Luật ASEM cho biết, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản mạo danh bản thân anh để lừa đảo. “Facebook của tôi liên tục bị các đối tượng lập các tài khoản giả mạo, sử dụng các hình ảnh, nội dung và các hoạt động nghề nghiệp của tôi nhằm lừa đảo các nạn nhân từng bị lừa qua mạng. Chúng còn sử dụng các tài khoản Facebook giả này để chạy quảng cáo dịch vụ thu hồi tiền đã bị lừa đảo trước đây”, luật sư Thắng chia sẻ.
Vị luật sư cũng cho biết, mỗi ngày, anh phải nhận hàng chục đến hàng trăm cuộc gọi đến để xác minh về việc công ty có thực hiện dịch vụ “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” hay không? “Có người cho biết đã bị lừa vài triệu, có người bị lừa hàng trăm triệu rồi, về việc này tôi đã có đơn đề nghị xử lý gửi Liên đoàn luật sư và Cơ quan công an rồi nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết được”, luật sư Thắng cho biết.
Tương tự, Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc điều hành Công ty Luật EMME cũng bị kẻ xấu mạo danh, kẻ xấu dùng thông tin, hình ảnh của anh để cắt ghép, sau đó thông qua các tài khoản mạng giả mạo để chạy quảng cáo, chia sẻ rộng rãi thông tin đến nhiều người, nhất là những người đang bị lừa tiền, có nhu cầu hỗ trợ lấy lại tài sản, hoặc có nhu cầu tư vấn pháp lý các sự vụ nóng...
Bất bình với những hành vi giả mạo trắng trợn trên có thể gây ra hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của bản thân cũng như Văn phòng luật sư đang làm việc, Luật sư Tạ Anh Tuấn đã phải lên mạng xã hội đăng tin cảnh báo rộng rãi, đồng thời kịch liệt lên án những hành vi bất chính nêu trên.
Cũng trong một tháng trở lại đây, Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng liên tục nhận được điện thoại của các nạn nhân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước hỏi về việc công ty hứa hỗ trợ, thu hồi tiền treo trên các ứng dụng, các nền tảng mạng xã hội trong khi công ty không hề biết gì về chuyện này.
"Tôi thật sư đau lòng vì tình trạng mượn danh các luật sư như chúng tôi để lừa dối người dân, rồi đây hình ảnh của luật sư trong mắt người dân sẽ bị ảnh hưởng vì những hành động như thế này" - Luật sư Nguyễn Văn Hưng chia sẻ.
Không chỉ riêng Công ty luật Phúc Khánh Hưng mà nhiều luật sư, tổ chức hành nghề luật khác cũng bị mạo danh. Các đối tượng thường lập tài khoản giả mạo, tạo ra số lượt tương tác "ảo" lớn nhằm tạo niềm tin cho người khác. Thậm chí, có trường hợp còn sử dụng hình ảnh luật sư để cắt ghép, tạo thẻ luật sư giả rồi đăng tải lên mạng xã hội.
>>Nở rộ bẫy lừa “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”
Nên xác thực thông tin luật sư khi liên hệ
Nhìn nhận các sự việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho biết, vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang được các đối tượng phạm tội thực hiện khá ngang nhiên và phổ biến.
Theo đó, các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại với phương thức, thủ đoạn khá tinh vi khi lợi dụng thông tin của giới luật sư và hình ảnh của luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư để tạo lòng tin với “con mồi” là các bị hại, sau đó khi các nạn nhân đã tin tưởng thì sẽ có một đội ngũ gọi là ê-kip của chúng với “kịch bản có từ trước” thực hiện các công việc từ tiếp nhận thông tin cho đến trấn an tâm lý bị hại, từ đe doạ cho đến hứa hẹn lấy được tiền lại cho các nạn nhân một cách dễ dàng mà không mất công sức đi lại.
Một đặc điểm chung của các nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức này là những người này thường ít khi tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, hạn chế đi lại và tâm lý e ngại không dám công khai việc mình bị lừa do sợ người thân biết nên bị các đối tượng thao túng tâm lý và làm theo hướng dẫn để mong nhận lại được tiền bị lừa trước đó một cách nhanh chóng.
Theo luật sư Nhung, hành vi của các đối tượng lừa đảo là lợi dụng tư cách nghề nghiệp, hình ảnh của giới luật sư, của các tổ chức hành nghề luật để tạo các “nick” mạng xã hội giả danh luật sư thật, tổ chức hành nghề luật sư thật mà nếu không tìm hiểu kỹ thông tin thì các nạn nhân sẽ dễ dàng bị lừa. Các đối tượng đưa ra thông tin có thể thu hồi nợ online như hứa hẹn, tạo lòng tin cho các nạn nhân khi đưa ra các hình ảnh minh hoạ là các dòng tin nhắn nói chuyện qua lại để cho nạn nhân xem và tin tưởng luật sư giả này đã lấy được tiền lừa đảo qua mạng cho nhiều nạn nhân trước đó.
“Chúng đánh vào lòng tin của các nạn nhân khiến các nạn nhân không một chút hoài nghi, chuyển tiền nhiều lần nhưng cuối cùng không thu hồi được tiền đã mất lại còn mất thêm tiền”, nữ luật sư nói.
Để tránh bị rơi vào “bẫy lừa” của các đối tượng tội phạm, luật sư Nhung khuyến cáo người dân cần tìm tới website chính thống của tổ chức hành nghề luật sư, tra cứu danh bạ luật sư tại website Đoàn luật sư, khi có số điện thoại của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư cần liên hệ xác thực thông tin luật sư để được cung cấp các thông tin đầy đủ, nếu có điều kiện đi lại cần đến trực tiếp văn phòng để tư vấn và chỉ chuyển phí thù lao luật sư trên cơ sở ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa khách hàng và tổ chức hành nghề luật sư.
Trường hợp ở xa không có điều kiện đến gặp tư vấn trực tiếp thì có thể nhờ người quen, bạn bè ở khu vực đó kiểm tra thông tin về tổ chức hành nghề luật sư đang tìm kiếm để có được thông tin đầy đủ, chính xác về luật sư và tổ chức hành nghề luật sư. Còn đối với những trường hợp đã bị các đối tượng chiếm đoạt tài sản thì chỉ còn cách nhanh chóng làm đơn trình báo tố giác hành vi của các đối tượng này tới cơ quan cảnh sát điều tra để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.
“Việc mất tiền và tìm kiếm đến dịch vụ pháp lý của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi bị lừa đảo qua mạng chỉ là tham vấn, tư vấn giải pháp và nắm được cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc của khách hàng, trình tự tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm. Luật sư không có khả năng thu hồi tiền bị lừa đảo qua mạng, đó là thông tin người dân nên biết” – Luật sư Nhung nhấn mạnh.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 2: Ăn “bánh vẽ”…thành nạn nhân
03:30, 14/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 3: Chiêu trò “bổn cũ soạn lại”
11:00, 15/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 4: “Bẫy tâm lý” lừa tiền tỉ
03:20, 16/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài cuối: Tránh “bẫy” cách nào?
03:30, 19/11/2023