Bất cập Nghị định 132/2020: Cần sớm đẩy nhanh lộ trình sửa đổi
Để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều ý cho rằng, cần sớm đẩy nhanh lộ trình sửa đổi những bất cập của Nghị định 132/2020/NĐ-CP…
>> Sửa Nghị định 132/2020: Cần lắng nghe và tháo gỡ kịp thời
Theo đó, trước những vướng mắc, bất cập của Nghị định 132/2020/NĐ-CP, tại điểm đ mục 4 Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định này để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023. Việc sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP được cho là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa sống còn với hàng nghìn doanh nghiệp, tuy nhiên, theo tiến độ đặt ra tại công văn số 12094/BTC-TCT ngày 23/11 của Bộ Tài chính, thì Dự thảo sửa đổi sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trong quý I/2024 và đến quý III/2024 mới tổng hợp, báo cáo Chính phủ để ban hành.
Trước lộ trình dự kiến đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm đẩy nhanh lộ trình sửa đổi, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn hiện nay cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, sau 3 năm áp dụng quy định về “giao dịch liên kết được tính tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần” tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Đặc biệt, những năm trước đây khi mặt bằng lãi suất ổn định ở mức trung bình thấp, chi phí lãi vay của hầu hết các doanh nghiệp đều dưới mức 30% này, thế nhưng từ cuối năm 2022 và trong năm 2023, mặt bằng lãi suất tăng mạnh khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp vượt mức 30% cho phép của Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Hệ quả là các doanh nghiệp này bị giảm chi phí được trừ khi tính thuế và phải nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn, chi phí vốn lại tăng cao khiến doanh nghiệp khó chồng thêm khó.
>> Doanh nghiệp "đỏ mắt" chờ sửa Nghị định 132/2020
Đánh giá về quy định này của Nghị định 132/2020/NĐ-CP, bà Đinh Mai Hạnh - Phó tổng giám đốc Phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết, Deloitte Việt Nam cho rằng, quy định về mức trần chi phí lãi vay hiện đang chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn vay lớn để đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc các doanh nghiệp cần hồi phục và phát triển sau giai đoạn COVID-19.
Theo bà Hạnh, hiện các doanh nghiệp đang rất mong chờ vào việc sửa đổi Nghị định 132/2020 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện tại, đặc biệt là cơ chế tính toán chi phí lãi vay vượt trần, góp phần tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong thời gian sắp tới. Do đó, nếu các quy định mới được ban hành sớm và có hiệu lực từ năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 sẽ thực sự giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.
“Bộ Tài chính cần nhanh chóng lên Dự thảo quy định, triển khai lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, các ban ngành liên quan cũng như tham khảo thêm các quy định từ các nước để trình Chính phủ và ban hành quy định sớm nhất có thể trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024”, bà Hạnh đề xuất.
Đồng quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tinh thần sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP là hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, nhưng trong tình thế doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Bộ Tài chính có thể đẩy nhanh tiến trình sửa đổi, chủ động đề xuất làm theo quy trình rút gọn để sớm tháo gỡ vướng mắc về chi phí lãi vay của doanh nghiệp.
Thông tin với báo chí xoay quanh tiến độ dự kiến sửa Nghị định 132/2020/NĐ-CP, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SB Law cho rằng, với Nghị định thì Bộ Tài chính hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian sửa đổi, thẩm định và trình Chính phủ.
“Phải sửa đổi sớm Nghị định 132/2020/NĐ-CP để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Lộ trình của Bộ Tài chính đưa ra cuối 2024 là quá dài, do đó, nên hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP trong năm nay và đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm sau thì Chính phủ ban hành Nghị định mới”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Để giải quyết những tồn tại, bất cập của Nghị định 132/2020/NĐ-CP, góp ý cho Dự thảo sửa đổi, các chuyên gia đề xuất, cần nâng mức khống chế chi phí lãi vay thay vì để 30% như hiện nay, hoặc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lệ cho doanh nghiệp; ngoài ra, cần định nghĩa lại các trường hợp giao dịch liên kết. Bởi hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần đi vay ngân hàng bằng 25% vốn chủ sở hữu là đã bị quy vào có giao dịch liên kết.
Được biết, mục tiêu khi ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, tuy nhiên, FDI tại Việt Nam là công ty con trong tập đoàn có công ty mẹ ở các nước đã phát triển, do lãi suất vay ở các nước đang phát triển tương đối thấp nên cho các FDI vay theo lãi suất thấp. Vì vậy, doanh nghiệp FDI ít chịu tác động của quy định khống chế chi phí, trong khi đó, với nền lãi suất cho vay cao tại Việt Nam, Nghị định 132/2020/NĐ-CP đang gây khó, kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Nghị định 132/2020: Cần lắng nghe và tháo gỡ kịp thời
04:00, 18/11/2023
Doanh nghiệp "đỏ mắt" chờ sửa Nghị định 132
03:00, 10/11/2023
Doanh nghiệp cần chú ý gì về giao dịch liên kết trong năm 2023 đầy biến động?
04:30, 29/01/2023
Định hướng quản lý giá giao dịch liên kết và trị giá hải quan hàng nhập khẩu
01:00, 24/09/2022
Vay ngân hàng có phải là giao dịch liên kết?
23:00, 01/06/2021