Định hướng quản lý giá giao dịch liên kết và trị giá hải quan hàng nhập khẩu

Diendandoanhnghiep.vn Hoạt động thương mại quốc tế tại Việt Nam ngày càng sôi động khiến việc quản lý giá giao dịch vẫn là một trong những bài toán phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ ngành và doanh nghiệp.

>>>Sớm hoàn thiện Nghị định về kết nối, chia sẻ thông tin xuất nhập khẩu "gỡ khó" cho doanh nghiệp

Hoạt động thương mại quốc tế tại Việt Nam diễn ra ngày càng sôi động, với tỷ trọng thương mại giữa các doanh nghiệp đa quốc gia và các công ty liên kết ở nước ngoài ngày càng tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, quản lý giá giao dịch vẫn là một trong những bài toán phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ ngành và doanh nghiệp.

Chưa có sự liên kết giữa cơ quan thuế và hải quan

Công tác thanh kiểm tra thuế và hải quan đối với trị giá giao dịch giữa các công ty liên kết có vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo cân bằng, công bằng trong giao dịch giữa các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Hiện nay, việc kiểm tra, điều tiết trị giá hải quan vẫn đang được thực hiện song song giữa cơ quan hải quan và cơ quan thuế, sử dụng các nghiệp vụ tương đối khác nhau.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/7/2022, cơ quan thuế đã thực hiện thanh, kiểm tra 190 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 438 tỷ đồng; giảm lỗ 6.372 tỷ đồng; giảm khấu trừ 4 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 956 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 238 tỷ đồng, giảm lỗ 5.888 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 702 tỷ đồng.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các cục Hải quan địa phương áp dụng Danh mục hàng hóa nhập khẩu có rủi ro về trị giá với 951 mã HS 8 số và 7.146 dòng hàng có mức giá tham chiếu, từ đó ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp kê khai sai về trị giá, xác định lại trị giá hải quan, trị giá tính thuế phù hợp hàng hóa nhập khẩu thực tế. Trên cơ sở áp dụng Danh mục hàng hóa có rủi ro về trị giá, cơ quan hải quan đã truy thu ước tính 180 tỷ đồng sau khi thực hiện tham vấn giá.

Trao đổi với DĐDN, bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho biết, có hai lý do dẫn tới thực tế chưa có sự liên kết giữa cơ quan thuế và hải quan.

bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam.

Thứ nhất là do bản chất trái ngược về cơ sở tính thuế giữa trị giá hải quan và giao dịch liên kết trong cùng một giao dịch. Nói đơn giản, một mặt hàng do doanh nghiệp tại Việt Nam nhập khẩu từ công ty trong cùng tập đoàn ở nước ngoài, tại khâu khai hải quan hoặc trong quá trình kiểm tra sau thông quan, cơ quan hải quan sẽ có xu hướng truy vấn liệu trị giá hải quan của hàng hóa đó có thấp hơn giá thị trường dẫn đến giảm nghĩa vụ thuế tại khâu nhập khẩu hay không. Ngược lại, chính giao dịch đó có thể bị cơ quan thuế truy vấn về việc giá giao dịch có đang cao hơn giá thị trường dẫn đến giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp hay không. 

Thứ hai là do thiếu cơ sở pháp lý thống nhất giữa thuế & hải quan. Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã có những quy định cơ bản điều chỉnh vấn đề trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và giá chuyển nhượng theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý quy định thống nhất việc kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế và cơ quan hải quan, dẫn tới những vướng mắc trong quá trình xây dựng tính nhất quán trong phương pháp xác định, quản lý trị giá hải quan và giá chuyển nhượng đối với cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Theo đó, làm tăng rủi ro phát sinh các khoản thuế bị truy thu, xử phạt vi phạm hành chính cho doanh nghiệp.

>>>Biến động tỷ giá tác động thế nào tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?

>>>Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Hợp tác để gỡ nút thắt

Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam chia sẻ một số khuyến nghị để giải quyết tình trạng trên. Cơ quan hải quan và cơ quan thuế ở một số quốc gia, điển hình như Trung Quốc, đã phát triển chương trình hợp tác liên ngành, cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện được áp dụng hai cơ chế sẵn có - “Xác định trước trị giá hải quan” với cơ quan hải quan và “Thỏa thuận trước về giá (APA)” với cơ quan thuế. Theo đó, doanh nghiệp, cơ quan thuế, và cơ quan hải quan sẽ ký thỏa thuận chung giữa ba bên về việc xác định trị giá phù hợp áp dụng cho hàng hóa, trên cơ sở thảo luận và dữ liệu liên quan.

ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam.

Đây được đánh giá là một chương trình hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp xác định được trị giá hải quan và giá giao dịch liên kết phù hợp, được cả cơ quan thuế và hải quan chấp thuận, tiết kiệm nguồn lực cho các bên liên quan, giảm thiểu rủi ro bị truy thu, xử phạt thuế không hợp lý. Theo ông Tuấn, Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng linh hoạt, theo thực tiễn mức độ đáp ứng của hệ thống quy định pháp luật hiện hành, tăng cường hợp tác giữa cơ quan hải quan và cơ quan thuế chính là xu hướng mới để quản lý trên phương diện này.

Ông Bùi Ngọc Tuấn cho biết, tại Úc, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ các bên liên kết có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan nếu phát sinh bất kỳ thay đổi tăng hoặc giảm liên quan đến trị giá hàng hóa so với trị giá khai báo thời điểm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, chính phủ Úc đã phát triển chương trình xác định Khung trị giá hàng nhập khẩu theo giá giao dịch liên kết được điều chỉnh. Chương trình này do Cơ quan quản lý biên giới quốc gia (ABF) quản lý, để đảm bảo trị giá khai báo hải quan là giá thị trường, căn cứ trên các phương pháp xác định trị giá để đưa ra mức giá tham khảo cho doanh nghiệp sử dụng như một cơ sở khai báo, kèm theo một tỷ lệ phần trăm thay đổi nhất định được ABF chấp thuận. Khung trị giá này áp dụng cho giá giao dịch liên kết được điều chỉnh trong vòng 04 năm tính tới thời điểm xác định Khung và có hiệu lực trong 05 năm tiếp theo.

Bên cạnh việc xây dựng các giao thức quản lý chung, và khung pháp lý, các bộ ban ngành và bản thân doanh nghiệp nên có phương án tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, hiểu rõ mối quan hệ mật thiết giữa hai vấn đề về trị giá giao dịch. Các công tác góp ý, xây dựng quy định pháp luật cũng cần được đẩy mạnh, để hỗ trợ cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả của các quy định mới.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Định hướng quản lý giá giao dịch liên kết và trị giá hải quan hàng nhập khẩu tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713569677 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713569677 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10