Tiền Hải (Thái Bình): Vì sao không thể xử lý dứt điểm xe quá khổ, quá tải?
Mặc dù, người dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) liên tục kiến nghị tình trạng xe quá tải, quá khổ hoạt động dày đặc trên đoạn từ bến Trà Lý đến KCN Tiền Hải nhưng không có chuyển biến.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng huyện Tiền Hải cũng đã rất nhiều lần họp, thậm chí thành lập đoàn kiểm tra, đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên như: tăng cường xử lý, gắn camera để phát hiện vi phạm… nhưng đều không có kết quả.
Những chiếc xe có tải trọng thiết kế chuyên chở hơn 10 tấn nhưng đã được cơi nới thành, thùng mỗi bên hơn nửa mét. Không những thế, những chiếc xe này còn được chất tải vuốt cao hết cỡ, đạt tải trọng khoảng 30-35 tấn, lặc lè bò trên cung đường dân cư đông đúc, bỏ lại phía sau mịt mù khói bụi cùng với “con đường khốn khổ”.
Trao đổi với báo chí, người dân xã Tây Lương (Tiền Hải) tỏ ra rất bức xúc, vì ngoài chuyện trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì lầy lội còn nguy cơ rình rập tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống của người dân sinh sống dọc tuyến đường này. Nhiều người còn nghi ngại, đặt câu hỏi, vì sao tình trạng xe tải chở đất, cát (vật liệu xây dựng) không được che chắn cẩn thận làm rơi vãi ra đường, hoạt động ồ ạt, giữa ban ngày nhưng không có sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan chức năng?
Tình trạng trên đã khiến cho tuyến đường gần 10km từ cầu Trà Lý (xã Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình) đến khu công nghiệp Tiền Hải bị băm nát.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hồng Cường – Đội trưởng đội CSGT, Công an huyện Tiền Hải, từ đầu năm đến nay đơn vị đã xử lý được hơn 20 trường hợp vi phạm về chở quá tải, cơi nới thành thùng. Lực lượng đã yêu cầu doanh nghiệp, chủ phương tiện tự tháo bỏ thành thùng, trả lại nguyên trạng.
Theo quan sát của PV, dưới chân cầu Trà Lý, dọc 2 bên sông là những bãi tập kết vật liệu xây dựng nắm san sát nối liền nhau. Những dãy núi cát khổng lồ phủ kín từ chân đê ra đến mép sông. Các bãi này đều chiếm gần hết phần đất hàng lang đê dọc sông Trà Lý. Các bãi này chủ yếu tập kết hoặc trung chuyển cát, đá, than, cao lanh… Để hoạt động trung chuyển vật liệu xây dựng từ các bãi này từng đoàn xe quá khổ, quá tải, có dấu hiệu cơi nới thành thùng, hoạt động từ tờ mờ sáng cho đến tận tối.
Trước khu vực UBND huyện Tiền Hải, chúng tôi còn chứng kiến mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe tải chở bùn đất chạy theo hường từ cầu Trà Lý theo QL 39B xuyên thẳng vào trục đường chính thị trấn Tiền Hải. Sau đó, rẽ trái qua ngã 3 ông Tượng và hướng về phía khu công nghiệp Tiền Hải. Những chiếc xe này đều được che chắn bằng bạt sơ sài, đi tới đâu bụi tới đó. Nhiều người đi đường tỏ ra rất khó chịu nhưng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Đoạn từ cầu Trà Lý theo QL 39B vào thị trấn Tiền Hải là con đường huyết mạch của huyện Tiền Hải. Hiện tại, chỉ còn đoạn đường qua thị trấn mới được làm là vẫn còn nguyên vẹn. Những những đoạn khác, đặc biệt là phía nối ra sông Trà Lý đã bong tróc, hư hỏng nặng.
Tại sao không xây dựng tuyến đường riêng để chở vật liệu xây dựng ra khu công nghiệp Tiền Hải? Tại sao không xử lý vi phạm ngay tại điểm xuất phát của các doanh nghiệp? Đó là câu hỏi của người đân gửi tới các cơ quan chức năng.
Được biết, vào khoảng tháng 7/2019, Sở Giao thông Vận tải (GTVT), UBND huyện Tiền Hải, Công an huyện Tiền Hải… đã tổ chức cuộc họp liên quan tới những kiến nghị của người dân về tình trạng xe quá khổ, quá tải trên tuyến đường từ cầu Trà Lý đến khu công nghiệp Tiền Hải. Sau đó, UBND huyện Tiền Hải đã ra thông báo thời hạn trước ngày 15/7, các chủ xe phải tự giác cắt bỏ thành thùng cơi nới, hoạt động theo đúng quy định, bảo đảm an toàn giao thông. Hiện, huyện đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, không có vùng cấm. Chỉ đạo là thế nhưng thực tế cho thấy tình trạng đến nay vẫn không được cải thiện.
Tuy nhiên, người dân thì cho rằng việc xử lý xe quá khổ, quá tải không hề khó vì hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều công khai hoạt động vào ban ngày nên rất dễ phát hiện. Chỉ là các cơ quan chức năng chưa làm hết chức trách của mình?
Có thể bạn quan tâm