Lật tẩy doanh nghiệp “đen” tại Thái Bình (Kỳ 3): Pháp luật cần được thực thi
Liên quan tới việc Công ty Liên Quảng Thành tại Thái Bình lao đao do bị "bao vây" các hoạt động kinh doanh hợp pháp, luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc để xử lý nghiêm minh…
Doanh nghiệp cầu cứu...
Thời gian qua, Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên tục thông tin việc Công ty cổ phần kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng Liên Quảng Thành (Công ty Liên Quảng Thành) tại thành phố Thái Bình đang cầu cứu do bị “bao vây” mọi hoạt động kinh doanh hợp pháp. Theo nội dung đơn thư, doanh nghiệp này bị ông Chu Văn Long – Giám đốc Công ty TNHH Hưng Long, đồng thời là đội trưởng giám sát của một tổ chức có tên là Chi hội Gas Thái Bình áp đặt hình phạt gọi là “chế tài” để ép doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản. Theo đó, doanh nghiệp này bị giám sát 24/24 và cấm kinh doanh thương hiệu Gas Petro Việt nam và các hãng Gas liên doanh.
Đáng chú ý, “chế tài” của hội này yêu cầu các hãng đang hợp tác, phân phối gas cho Công ty Liên Quảng Thành phải ngừng cấp hàng và ngừng vĩnh viễn (các hãng gas tư nhân) cho đến khi có lệnh gỡ chế tài của chi hội trưởng Chi hội gas Miền Bắc. Nghiêm cấm tất cả các hãng có bản hãng thuộc Chi hội Gas Thái Bình và Miền Bắc không được trao đổi vỏ bình với Công ty Liên Quảng Thành, ai vi phạm sẽ bị cắt hàng. Đồng thời, tất cả các đại lý không được giao lưu, lấy hàng của doanh nghiệp này.
Theo đại diện Công ty Liên Quảng Thành, chính “chế tài” trái luật này đã khiến đơn vị “lao đao” khi không có hàng bán, không thể trao đổi vỏ bình để lưu thông từ 17/3/2020, dẫn tới việc kho vỏ của Công ty tính đến 30/5/2020 đã bị tồn đến 30.000 vỏ bình của các bản hãng trong và ngoài tỉnh.
Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, mặc dù ngày 26/6/2020, Cục Quản lý thị trường Thái Bình đã có thông báo kết luận kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của chai LPG tại Công ty Liên Quảng Thành, theo đó, cơ quan này khẳng định, toàn bộ số chai LPG mang nhãn hiệu mà doanh nghiệp này phân phối đảm bảo nguồn gốc xuất xứ vì có ký kết hợp đồng đại lý mua bán, phân phối, kinh doanh, tiêu thụ LPG; Các chai mang nhãn hiệu Hưng Long, Việt Xô Gas, Bông lúa vàng, Phú Hoàng An mà công ty Liên Quảng Thành không phân phối nhưng vẫn có sự trao đổi chai LPG giữa các đơn vị với nhau. Cơ quan QLTT cũng khẳng định, Công ty Liên Quảng Thành không chiếm giữ vỏ chai của các đơn vị khác.
Thế nhưng nhóm người Chu Văn Long kiên quyết lấy lý do là vỏ bình gas của doanh nghiệp mình đang bị chiếm giữ nên nhiều lần tổ chức theo dõi, chặn, lục soát hàng hóa, “giam giữ” xe hàng của Công ty Liên Quảng Thành, thậm chí nhiều lần đe dọa, hành hung nhân viên của doanh nghiệp này khiến nhiều người do sợ hãi đã phải xin nghỉ việc.
Đáng chú ý, ngày 29/9 mới đây, khi xe của doanh nghiệp đang lưu thông trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ thì nhóm người Chu Văn Long bất chấp pháp luật chặn đường, ép không cho di chuyển và nhất định “giam giữ”, đã 3 tuần trôi qua, nhưng tới nay chiếc xe vẫn không được “giải thoát” (?).
Luật sư nói gì?
Trao đổi thông tin với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông Luật cho biết, Khoản 1 Điều 163 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
“Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông Luật cho biết.
Đối với việc nhân viên Công ty Liên Quảng Thành nhiều lần bị đe dọa, thậm chí bị hành hung dã man, luật sư Diệp Năng Bình cho biết: về quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe của công dân, Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…
Có thể bạn quan tâm
Lật tẩy doanh nghiệp “đen” tại Thái Bình (Kỳ 1): Thao túng thị trường gas?
04:50, 08/10/2020
Lật tẩy doanh nghiệp “đen” tại Thái Bình (Kỳ 2): Lạm dụng “chế tài”, “giam” xe trái luật?
04:50, 11/10/2020
Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 cũng quy định cá nhân có quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33); quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34). Hành vi xâm phạm quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng của con người được coi là một trong những hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị pháp luật nghiêm trị. Bộ luật Hình sự năm 2015 dành riêng Chương XIV (từ Điều 123 đến Điều 156) quy định hình phạt đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
“Hơn nữa trong kinh doanh, giả sử khi doanh nghiệp có các hoạt động sai phạm thì chỉ có lực lượng chức năng của Nhà nước mới có quyền chặn xe, tạm giữ phương tiện tài sản vi phạm theo quy định. Do đó bất kỳ hành vi chiếm giữ phương tiện, tài sản và xâm phạm tính mạng sức khỏe của người khác đều vi phạm pháp luật và cần xử lý nghiêm minh”, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông Luật chia sẻ.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!