Hải Phòng: Chủ mỏ “trốn” hoàn thổ sau khai thác khoáng sản
Thiếu những ràng buộc pháp lý chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã lặng lẽ rút lui sau khi khai thác hết tài nguyên, bỏ lại khai trường không thể phục hồi.
Công ty CP Thương mại Thuỷ Nguyên được UBND TP Hải Phòng cấp phép số 2758/GP-UBND ngày 21/12/2006 khai thác đất Silic diện tích 4,66ha tại núi Thành Dền (xã Liên Khê). Giấy phép khai thác của doanh nghiệp này đã hết hạn từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường. Hiện, khai trường của doanh nghiệp này là những hố đất sâu hoắm nham nhở, rộng hàng ha bỏ không.
Doanh nghiệp đi để lại tan hoang
Cách đó không xa là khai trường của Công ty CP cung ứng vật tư Tiến Thành. Doanh nghiệp này được cấp phép khai thác đá vôi năm 2008 trên diện tích 2,7ha phía Tây núi Cống Đá 2. Mặc dù giấy phép khai thác đã hết hạn năm 2013 nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ để hoàn nguyên môi trường. Không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, đóng mỏ và hoàn trả mặt bằng, thậm chí trong quá trình khai thác doanh nghiệp này còn vi phạm các quy định về hành lang an toàn, khai thác quá phạm vi cho phép, sâu hơn cốt cho phép, làm thay đổi biến dạng địa hình, địa mạo khu vực.
Kề với Liên Khê là xã Lại Xuân. Đây là xã được biết đến với những khai trường sầm uất của nhiều mỏ đá. Năm 2017, Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Thành Lộc đã hết thời hạn khai thác nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường.
Theo ghi nhận của PV, khu vực núi Bụt Mọc, phần sườn núi bị cào nham nhở, có chỗ đã bị khoét sâu xuống khoảng 30m, tạo thành những hố đá sâu hoắm khổng lồ do những lần nổ mìn khai thác đá gây ra. Sau nhiều năm bị khai thác với quy mô lớn, những quả núi sừng sững giờ giờ chỉ là những bãi đất bị cày xới tan hoang xen lẫn những hố nước sâu hoắm.
Ông Mặc Văn Quý (xã Lại Xuân) không giấu được nỗi xót xa khi chứng kiến gần 10ha đất bị bỏ hoang sau khai thác cho biết, khi hết thời gian khai thác, đóng cửa mỏ, doanh nghiệp không tiến hành san lấp, phục hồi môi trường, dẫn đến việc toàn bộ diện tích đất ở đây bỏ trắng. Tiếc đất bỏ hoang, một số hộ trong thôn tự thuê máy về san gạt và mua đất màu về trồng cây, tuy nhiên tỷ lệ cây sống và phát triển rất thấp. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành vào cuộc đôn đốc doanh nghiệp thực hiện hoàn nguyên sau khai thác như đã cam kết.
Thả gà ra đuổi!
Được biết, từ năm 2004 đến nay UBND thành phố Hải Phòng đã cấp phép khai thác khoáng sản cho 4 đơn vị tại xã Liên Khê. Đến năm 2015, 3 trong số 4 doanh nghiệp được phép khai thác khoáng sản tại khu vực đã hết hạn. Tuy nhiên, chỉ có Trại giam Xuân Nguyên đã đóng cửa mỏ, trồng cây để hoàn thổ, 2 doanh nghiệp còn lại vẫn chưa có động thái gì để hoàn nguyên môi trường, chủ doanh nghiệp thì đã… mất hút.
Theo quy định của pháp luật về bảo vệ, khai thác khoáng sản, doanh nghiệp sau khi được cấp quyền khai thác phải cam kết hoàn thổ mỏ, cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, trước khi được cấp phép khai thác, các chủ mỏ phải ký một khoản quỹ nhất định để “ràng buộc” về mặt tài chính lẫn trách nhiệm cho công tác hoàn thổ mỏ sau này.
Hiện, trên địa bàn TP Hải Phòng còn 10 mỏ khai thác đã hết hạn theo giấy phép nhưng doanh nghiệp chưa hoàn tất việc đóng cửa mỏ. Trong đó có cả những doanh nghiệp đã giải thể, không đủ năng lực hoàn thiện các dự án, hạng mục theo đề án đóng cửa mỏ đã được phê duyệt. Phần lớn số doanh nghiệp này đều được cấp phép khai thác khoáng sản trước năm 2014 (thời điểm mà Luật Khoảng sản chưa bắt buộc doanh nghiệp ký quỹ hoàn nguyên).
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền TP Hải Phòng đã nhiều lần ra “tối hậu thư” cho các doanh nghiệp, trong đó có nhiều lần xử phạt, quyết định đóng cửa mỏ để buộc doanh nghiệp hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác. Nhưng theo Phòng TNMT huyện Thuỷ Nguyên, giờ cũng không biết tìm doanh nghiệp ở đâu, họ đã “bỏ của chạy lấy người”. Doanh nghiệp cũng chẳng ký quỹ bảo vệ môi trường, thành phố cũng chẳng biết lấy kinh phí ở đâu.
Quần thể núi đá vôi đồ sộ tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng vốn được ví như “Hạ Long trên cạn dường như đang bị biến mất bởi hàng chục cơ sở khai thác đá cật lực “xẻ thịt” mỗi ngày. Khi cấp phép các dự án xi măng trên địa bàn, gần như mọi ngọn núi ở Thủy Nguyên đều được quy hoạch. Chỗ nào không được quy hoạch thì bổ sung. Đáng ngạc nhiên là nhiều doanh nghiệp ở nơi khác cũng về Hải Phòng và xuống Thuỷ Nguyên khai thác đá vì đã được cấp phép. Đến khi khai thác xong thì lặng lẽ “tháo chạy” khỏi địa bàn, bỏ lại những quả đồi, quả núi trước đây phủ xanh cây rừng, còn lại người dân, chính quyền địa phương chịu trận.
Việc “đánh trống bỏ dùi” từ nhiều chủ mỏ đang đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thanh kiểm tra công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường tại các điểm mỏ sau khai thác!
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Thành Dền bị xâm hại bởi hoạt động khai thác đá?
04:20, 07/09/2021
“Lỗ hổng” trong quản lý, khai thác khoáng sản
04:20, 05/09/2021
Hà Tĩnh: Gỡ vướng để đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản
06:25, 21/08/2021
Hải Phòng: Cấp phép cho doanh nghiệp khai thác gần di tích?
11:10, 12/08/2021
Hải Phòng: Doanh nghiệp khai thác đá, người dân “khổ trăm bề”
13:00, 05/08/2021
Nghệ An: Khởi tố vụ án và bị can tổ chức khai thác khoáng sản trái phép
19:08, 24/07/2021