Cải cách thuế "lên điểm" trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB

Mai Hằng 04/11/2018 07:30

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh – Doing business 2019 của Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam là 62,87, tăng 1,25 điểm so với báo cáo của Doing business 2018.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp các cải cách về thuế được ghi nhận trong Báo cáo Môi trường kinh doanh.

Cục Thuế Sơn La luôn hỗ trợ người nộp thuế

 Hỗ trợ người nộp thuế ở Cục Thuế tỉnh Sơn La

Để đánh giá về chỉ số nộp thuế, WB đã căn cứ vào các tiêu chí như: số giờ nộp thuế, số lần nộp thuế trong năm, tổng mức thuế suất trên lợi nhuận, chỉ số sau kê khai.

Theo đánh giá của WB, thời gian nộp thuế của Việt Nam là 498 giờ (trong đó thuế 351 giờ, bảo hiểm xã hội 147 giờ). Phân tích cụ thể hơn, có thể nhận thấy trong số 351 giờ thì có đến 334 giờ là thời gian dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Thời gian cho việc nộp tờ khai và nộp thuế chỉ còn 17 giờ. So sánh với các nước trong khu vực thì thời gian thực hiện các thủ tục nộp tờ khai và nộp thuế của Việt Nam là rất thấp chỉ còn 1,42 giờ/tháng.

Có thể bạn quan tâm

  • Bao giờ môi trường kinh doanh Việt Nam đạt trung bình ASEAN 4?

    Bao giờ môi trường kinh doanh Việt Nam đạt trung bình ASEAN 4?

    14:02, 02/11/2018

  • “Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm nay có nhiều thông tin đáng suy ngẫm”

    “Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm nay có nhiều thông tin đáng suy ngẫm”

    16:40, 01/11/2018

Có được kết quả này là do ngành thuế đã triển khai các dịch vụ khai thuế, nộp thuế bằng phương thức điện tử cho tất cả các doanh nghiệp. Đến nay, đã có 99,92% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước thực hiện khai thuế điện tử và 97,8% số doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử.

Hiện số lần nộp thuế của Việt Nam là 10 lần, trong đó các loại thuế 9 lần, bảo hiểm xã hội 1 lần, giảm 04 lần so với Doing business2018. Đây là một trong những điểm nổi bật trong cải cách thuế của Việt Nam đã được WB ghi nhận. Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận cũng đã giảm 0.3% hiện còn 37,8% so với mức 38,1% của Doing business 2018. 

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, vẫn còn một số cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã được áp dụng trong vài năm gần đây nhưng chưa được WB ghi nhận. Cụ thể, việc bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra kèm theo tờ khai thuế GTGT thực tế ở Việt Nam đã bỏ từ tháng 11/2014 (Nghị định 71/2014) nhưng WB vẫn tính thời gian doanh nghiệp lập Bảng kê thuế GTGT bằng excel mất 90 giờ.

Đối với thuế TNDN, trong thống kê của WB vẫn có đến 5 lần kê khai thuế TNDN (4 lần tạm khai theo quý và 1 lần quyết toán năm) nhưng thực tế từ khi sửa đổi Luật số 71, số lần khai thuế TNDN chỉ còn 1 lần/năm. Bên cạnh đó, WB vẫn tính 1 lần phải nộp thuế, phí xăng dầu, trong khi thực tế doanh nghiệp không phải khai nộp trực tiếp. Hiện tại các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã khai nộp thuế bảo vệ môi trường bằng phương thức điện tử. Như vậy nếu theo thực tế có thể giảm thêm 5 lần nộp thuế.

Đặc biệt, chỉ số sau kê khai bao gồm toàn bộ thời gian để hoàn thành bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT, nhận được tiền hoàn; thời gian để chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ cho kiểm tra, thanh tra được đánh giá khá thấp. Bởi theo quy định của Việt Nam (áp dụng từ tháng 7/2016) việc hoàn thuế GTGT chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu và hoàn cho trường hợp đầu tư. Tuy nhiên, việc khảo sát DB2019 được thực hiện trên một doanh nghiệp giả định không có hoạt động xuất khẩu, đầu tư, do đó điểm chỉ số thời gian để hoàn thành bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT và thời gian doanh nghiệp nhận được tiền hoàn thuế được tính bằng 0.

Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện chỉ số nộp thuế, trong thời gian tới, ngành thuế cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách thể chế để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách, đồng thời tăng cường thực hiện điện tử hóa các thủ tục hành chính của doanh nghiệp, phấn đấu cung cấp hầu hết các dịch vụ công ở cấp độ 3, 4.

Về phía các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán, đồng bộ việc ghi sổ kế toán với việc tính toán nghĩa vụ thuế, từ đó mới có thế giảm được thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế và góp phần giảm thời gian nộp thuế.

Mai Hằng