Bao giờ môi trường kinh doanh Việt Nam đạt trung bình ASEAN 4?

Huyền Trang 02/11/2018 14:02

TS Nguyễn Đình Cung khẳng định môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã có nhiều cải thiện nhưng khoảng cách để đạt trung bình ASEAN 4 vẫn còn khá xa.

Thông tin này được TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo “Môi trường kinh doanh ở Việt Nam: nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19”. Hội thảo do CIEM tổ chức hôm nay (2/11) tại Hà Nội.

Kết quả đạt được chưa đều

Đánh giá về những kết quả đạt được, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể tại Báo cáo Doing Business 2019. Cụ thể đánh giá đạt 84,82/100 điểm, đứng thứ 104, tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bậc so với năm 2017. 

Nổi bật, trong số 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong năm 2018, có 2 cải cách thuộc chỉ số khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đó là: cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp. 

Theo Ngân hàng Thế giới, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm 8 bước, được thực hiện trong 17 ngày; trong khi trung bình khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, số bước là 6,8 bước, thực hiện trong 25,9 ngày. 

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP thường niên kể từ năm 2014 đến nay là một minh chứng rõ ràng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. 

Nghị quyết 19 đã tạo rất nhiều khác biệt so với trước, từ phương pháp hoàn toàn mới lấy đánh giá của WB để áp dụng chứ không tự đánh giá; mục tiêu cụ thể, đo lường được, giám sát được. Tới nay, tuy mức độ, cường độ khác nhau nhưng các bộ ngành đều đã vào cuộc, tạo sự thay đổi về nhận thức và hành động.

“Các Nghị quyết đặt mục tiêu cao nhưng khả thi, rõ ràng, cụ thể, đo lường được, giải pháp cụ thể, trách nhiệm rõ ràng. Khác biệt lớn từ nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, mạnh mẽ, nhất quán, thường xuyên và liên tục. Không có cuộc họp nào Thủ tướng không nhắc vấn đề này. Thường xuyên có theo dõi, đánh giá khách quan, độc lập. Nhờ đó, đã có kết quả rõ nét, khác biệt so với trước và có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường tăng lên, chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn”, ông Cung đánh giá.

Kết quả tuy chưa hài lòng nhưng đã tạo khác biệt khác hẳn so với trước, các chỉ số, thứ hạng cũng đã tăng, tổng thể môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến khoảng 30 bậc, thu hẹp khoảng cách so với trung bình ASEAN 4.

Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể tại Báo cáo Doing Business 2019. Cụ thể đánh giá đạt 84,82/100 điểm, đứng thứ 104, tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bậc so với năm 2017.

Tuy nhiên, theo ông Cung kết quả đạt được dù đáng khích lệ nhưng vẫn khá xa so với mục tiêu, chưa đạt trung bình ASEAN 4. Kết quả đạt được không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, các bộ ngành, địa phương.

“Còn nhiều việc phải làm”

Để môi trường kinh doanh Việt Nam đạt trung bình ASEAN 4, ông Cung khẳng định, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.

Đồng thời, tại hội thảo, ông Cung cũng đặt vấn đề, tại sao một số chỉ tiêu liên tục thăng hạng, đạt mức tương đối cao, có những chỉ số mãi mới cải cách, có chỉ số lúc tăng rất mạnh nhưng cũng có lúc xuống thấp và các biệt có những chỉ số cứ “tụt dài”?

“Nếu cơ quan được giao phụ trách chỉ số đó ý thức được cải cách, nếu Bộ trưởng quyết tâm thay đổi thì đạt được mục tiêu, còn nếu chần chừ, chưa quyết tâm thì kết quả chưa được như mong muốn. Ví dụ Bộ Công Thương thực sự là tiên phong trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, như cắt giảm điều kiện kinh doanh gạo, gas, tạo rất nhiều cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp tư nhân”, TS Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Hơn nữa, theo ông Cung, việc chỉ số tiếp cận điện năng trong 5 năm qua tăng từ vị trí 156 thế giới lên thứ 27 là “rất đáng học hỏi”, khi EVN đã tìm hiểu rất kỹ. “Nhiều người khi tiếp cận các chỉ số thì nói rằng chỉ số này không chính xác hoặc không thực chất. Đúng là chỉ số nào cũng có những khiếm khuyết không tránh khỏi, nhưng được thế giới chấp nhận, mình cần lấy đó là một công cụ để thay đổi chứ đừng phê phán nó”, ông Cung nói.

Về chỉ số khởi sự kinh doanh, TS Nguyễn Đình Cung nhận xét rằng tuy đã tăng 19 bậc trong năm nay nhưng vẫn xếp trên 100, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, thời gian đăng ký kinh doanh đã được tính bằng giờ. “Vấn đề là chỉ số này liên quan tới nhiều cơ quan khác nhau và đều ngồi chờ cải cách. Theo tôi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể không đóng vai trò tiên phong trong cải cách chỉ số này, không chỉ phối hợp mà còn cần thúc đẩy các Bộ khác”, ông đưa quan điểm.

Đồng thời, ông Cung nhấn mạnh tòa án có vai trò cực kỳ quan trọng trong môi trường kinh doanh với hai chỉ số là xử lý tranh chấp và giải quyết phá sản, vì kinh doanh thì không thể không có tranh chấp, vấn đề là phải giải quyết dứt điểm, công bằng, nhanh chóng, ít tốn kém để người ta làm việc khác và củng cố niềm tin của người dân trong việc đầu tư.

“Chúng ta cải cách rất mạnh nhưng thế giới chuyển động nhanh hơn và đang có một cuộc cạnh tranh trong cuộc đua tới thịnh vượng của các quốc gia bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Cung khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bao giờ môi trường kinh doanh Việt Nam đạt trung bình ASEAN 4?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO