Samsung “phàn nàn” về thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư
Đại diện Samsung khẳng định thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư phức tạp, tốn nhiều thời gian nên các doanh nghiệp thường hay lo lắng về hiệu quả đầu tư, nhất là với ngành IT.
Nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm góp phần giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc đã có những ý kiến phản hồi liên quan đến Luật Đầu tư.
Theo đó, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho hay, theo Luật Đầu tư Việt Nam, nếu số vốn đầu tư tăng hoặc giảm nhiều hơn một tỉ lệ nhất định thì sẽ phải điều chỉnh và thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, thủ tục thực hiện rất phức tạp, tốn nhiều thời gian nên các doanh nghiệp thường hay lo lắng về hiệu quả đầu tư, nhất là với ngành IT - vốn rất quan trọng về thời điểm đầu tư.
“Một công ty con của Samsung bị mất nhiều tháng để thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm ngoái và cũng suýt bị lỡ mất việc sản xuất sản phẩm mới. Tất nhiên với sự hỗ trợ từ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Chính phủ, chúng tôi đã hoàn tất mà không gặp vấn đề gì lớn. Nhưng các công ty khác vẫn có thể gặp khó khăn tương tự như vậy. Nếu như quy mô đầu tư giảm so với số vốn đã cam kết thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi mong Chính phủ Việt Nam xem xét cải thiện để doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian cho các thủ tục điều chỉnh phức tạp và có thể đầu tư thêm một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn”, đại diện Samsung nêu ý kiến.
Đại diện Samsung bày tỏ mong Chính phủ Việt Nam xem xét đến các phương án cải thiện để doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian cho các thủ tục điều chỉnh phức tạp và có thể đầu tư thêm dễ dàng và nhanh chóng hơn, trong trường doanh nghiệp tăng số vốn đầu tư.
Ngoài ra, về vấn đề xuất nhập khẩu, đại diện Samsung cho rằng các vấn đề về logistics như thủ tục hải quan quốc tế liên tục phát sinh do tác động từ đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn. Nhiều công ty xuất khẩu ở Việt Nam đang gặp ít nhiều khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu và logistics cho xuất khẩu sản phẩm.
Cùng với đó, do việc tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế như châu Âu là thị trường khai thác chính, nên ngành logistics hàng không cũng đang gặp nhiều khó khăn về phương diện thời gian và chi phí. Doanh nghiệp cho rằng nếu có thể chuyển đổi số máy bay còn lại của Việt Nam - nơi có nhiều đường bay thăng đến châu Âu sang thành máy bay chở hàng tạm thời, thì điều này được kỳ vọng có thể giúp cả hãng hàng không và doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng các lợi ích kinh tế.
Nêu ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường thừa nhận lẫn nhau.
Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không gắn với địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với một số quy định bất cập tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội ban hành để sớm được thực thi trên thực tế.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, những ý kiến đề xuất của doanh nghiệp sẽ giúp Chính phủ cải cách thể chế, chính sách, thủ tục hành chính tốt hơn, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Các bộ, cơ quan, địa phương khi tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp cần xem xét thấu tình, đạt lý. Tinh thần của Thủ tướng là không hồi tố. Những vấn đề không đúng sẽ điều chỉnh, những gì bất cập trong chính sách sẽ sửa đổi theo hướng một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Quy định mã vạch trong xuất khẩu "làm khó" doanh nghiệp Hàn Quốc
15:54, 17/07/2020
Thêm 239 điều kiện kinh doanh được cắt giảm
18:32, 17/07/2020
Bộ Giao thông-Vận tải sẽ cắt giảm thêm 380 điều kiện kinh doanh
15:40, 05/04/2020
[DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN QUA] Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Lượng đổi nhưng chất không đổi?
16:05, 01/03/2020
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Lượng đổi nhưng chất không đổi?
14:30, 29/02/2020