Vì sao doanh nghiệp buộc phải “dừng cuộc chơi”?

P.V 30/04/2018 09:28

Con số các doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể trong 4 tháng đầu năm 2018 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố liệu có đáng giật mình?

Có tới 4.699 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy, dù đang hồi phục, nhưng kinh tế cũng vẫn còn khó khăn.

Có thể bạn quan tâm

  • Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng trong quý I

    Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng trong quý I

    17:54, 02/04/2018

Trong tổng số gần 4.700 doanh nghiệp giải thể này, có tới 4.269 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,4%. Đây đều là những doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, buộc phải “dừng cuộc chơi” khi không thể cạnh tranh trên thị trường.

Số liệu thống kê cho thấy, trong số các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, có 2.083 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (chiếm 44,3%); 1.372 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 29,2%); 581 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 12,4%); 661 công ty cổ phần (chiếm 14,1%) và 2 công ty hợp danh.

Số liệu này cho thấy quá trình sàng lọc doanh nghiệp ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Theo phân tích của các chuyên gia, hiện có nhiều nguyên nhân buộc doanh nghiệp phải đóng cửa. Trong đó, có nguyên nhân khách quan là do kinh tế thế giới suy giảm, các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu gặp khó khăn phải ngừng hoạt động. Còn nguyên nhân chủ quan chính là sự yếu kém về năng lực nội tại, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải bỏ cuộc do không chịu nổi môi trường kinh doanh quá khắc nghiệt.

Một nguyên nhân khác bị cho là có ảnh hưởng không nhỏ đến sự sống còn của doanh nghiệp, đó chính là môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh thực chất chưa được cải thiện nhiều. Các điều kiện kinh doanh trói buộc, nhiều rào cản, sức ép thuế, chi phí khiến các doanh nghiệp lựa chọn giải pháp giải thể, chấm dứt nợ nần. Trong khi đó, mục tiêu cải cách hành chính hay giảm thiểu các quy định rườm rà cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa đạt nhiều kết quả.

Đặc biệt, năm 2017 đánh dấu thời điểm Việt Nam hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế. Các lộ trình mở cửa thị trường và gỡ bỏ các hàng rào thuế quan khiến thuế nhập khẩu được đưa về 0% đối với nhiều loại hàng hóa. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt đầu có hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ ngoại ồ ạt chiếm lĩnh thị trường nội địa, tạo ra áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp trong nước, do năng lực tự bảo vệ cũng như cạnh tranh còn yếu.

Từ thực thế trên, bài bài toán đặt ra ngay lúc này phải là tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên, hồi phục, hoạt động tốt hơn, phát triển trở lại, tạo ra công ăn việc làm. Người lao động có việc làm, tăng sức mua, hàng hóa trên thị trường được tiêu thụ, thị trường tự khắc sẽ phát triển trở lại. Đó mới là cách tốt nhất để phát triển thị trường và cộng đồng doanh nghiệp một cách bền vững.

P.V