Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng trong quý I

Thy Hằng 02/04/2018 17:54

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới tăng chậm, đặc biệt, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 22,9% và doanh nghiệp giải thể tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng khẳng định, trong quý đầu năm, nhiều tín hiệu, chỉ số phát triển đã khích lệ cỗ máy tăng trưởng kinh tế năm 2018.

Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018 tại Hà Nội chiều ngày 2/4.

Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018 tại Hà Nội chiều ngày 2/4.

Thông tin về cuộc họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ vừa được tổ chức sáng ngày 2/4, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, 8 điểm nổi bật và 7 điểm hạn chế đã được Chính phủ tổng kết.

Tám điểm nổi bật

Theo đó, thứ nhất, một số chỉ số cơ bản đạt kết quả tốt như GDP quý I đạt mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 7,38%. “Đây là mức tăng cao nhất trong quý I suốt 10 năm qua. Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 0,7%, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng: Tiếp tục gỡ rào cản, mở cửa hút vốn trong và ngoài nước

    Thủ tướng: Tiếp tục gỡ rào cản, mở cửa hút vốn trong và ngoài nước

    15:26, 02/04/2018

Thứ hai, ngành nông nghiệp thuỷ sản tăng 4,45%, so với năm 2016 và 2017 là rất cao. Ngành dịch vụ tăng trưởng 6,7%.

“Mặc dù tăng trưởng cao nhưng chúng ta vẫn kiểm soát được lạm phát”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước. CPI bình quân quý I năm 2018 tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%, tăng cao hơn mức 6,4% của cùng kỳ năm 2017.

Điểm nổi bật thứ ba, trong tháng 3, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 38,8 tỷ USD. “Điều này cho thấy, tổng cầu và sức mua của người dân được cải thiện đáng kể. Nikkei vừa công bố sáng nay Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước của Đông Nam Á có điểm số cao nhất, trên 50 điểm”, Bộ trưởng nói. 

Thứ tư, tính chung quý I, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đạt 54,3 tỷ USD, xuất siêu đạt khoảng 1,3 tỷ USD.

Thứ năm, tổng vốn đốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt tương đương 32,2% GDP, trong đó đầu tư tư nhân tăng 16,9%. Thứ sáu, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9%, tăng mạnh so với mức 3,2 triệu lượt của cùng kỳ năm 2017. Tăng 21,1% so với quý I năm 2017.

Đặc biệt, điểm nổi bật thứ bảy, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã dẫn dắt Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017 mà VCCI vừa công bố và nhận định, điểm số PCI bình quân đạt cao nhất kể từ khi bắt đầu công bố chỉ số này.

“Thủ tướng hôm nay đã yêu cầu các cơ quan và địa phương tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, cắt bỏ 50% điều kiện kinh doanh và giảm ½ hàng hoá kiểm tra chuyên ngành. Như vậy, ngoài các Bộ Công Thương và Y tế, các bộ đã đều lên tiếng rà soát và cắt giảm như Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp…đều công bố cắt giảm. Nhưng sẽ phải có các văn bản quy định, như vậy mới đi vào thực tế”, Bộ trưởng nói. 

Cùng với đó, điểm nổi bật thứ tám, niềm tin thị trường lớn, thị trường chứng khoán phát triển tốt, chỉ số VNIndex đã vượt đỉnh 10 năm qua, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Cắt bỏ những điều kiện không thể lượng hoá

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận vào thực tế để khắc phục. Quý I có số doanh nghiệp thành lập tăng không nhiều so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, số doanh nghiệp tạm ngừng tăng 22,9%. Trên 3.000 doanh nghiệp giải thể, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2017.

“Khu vực vốn đầu tư nhà nước đang vướng mắc cả vấn đề cấp phép, giải phóng mặt bằng, giải ngân chậm… Trong khi đó, khu vực đầu tư nước ngoài tăng 4,5%”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thương mại có thể gặp khó khăn khi các biện pháp bảo hộ được gia tăng tại các nước. “Chúng ta nhìn nhận xu thế bảo hộ ở các nước lớn và điều chỉnh thuế TNDN, đương nhiên các nhà đầu tư Mỹ sẽ có xu hướng quay trở lại Mỹ đề đầu tư, ảnh hưởng tới đầu tư tại Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Đặc biệt, tới đây, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị quốc gia về tạo cơ chế thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Về vấn đề kịch bản tăng trưởng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ không chủ quan với tăng trưởng quý I, không thoả mãn với kết quả đã đạt được.

“Với tinh thần quyết tâm cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 6,7%, Thủ tướng đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp tập trung chỉ đạo điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho dư địa phát triển", Bộ trưởng nói.

Người phát ngôn VPCP cũng cho biết, Chính phủ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, các quy định không cần thiết. "Đặc biệt các quy định, câu từ không thể lượng hoá trong quy định như "đủ sức khoẻ" đã được Chính phủ yêu cầu xoá bỏ", Bộ trưởng cho biết.

Bộ KH&ĐT đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho kinh tế 2018. 

Theo đó, kịch bản một,  tăng trưởng GDP 2018 là 6,7%. “Mục tiêu này ở mức cao theo Nghị quyết của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ đề ra. Đây là kịch bản phấn đấu và có thể đạt được”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết.

Kịch bản hai với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,8 %. Theo Bộ KH&ĐT, xét thấy xu hướng phát triển tích cực của ngành công nghiệp xây dựng, do đó, Bộ xây dựng kịch bản thứ hai nhằm đặt ra định hướng phấn đấu cho các ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng trong quý I
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO