Dệt may phản ứng tăng tuổi nghỉ hưu
Hiệp hội Dệt may cho rằng, việc thay đổi tỷ lệ tính lương hưu và gia tăng số tuổi nghỉ hưu sẽ gây tác động kép tới lực lượng lao động.
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, từ năm 2018 bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỉ lệ % hưởng lương hưu, tuy nhiên đối với nam thì được thực hiện theo lộ trình 5 năm, song đối với nữ phải áp dụng ngay. Như vậy, tạo ra sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa nữ cùng điều kiện nhưng nghỉ hưu trong năm 2017 và năm 2018 thì có tỷ lệ lương hưu chênh lệch tới khoảng 10%.
Có thể bạn quan tâm |
Ông Trương Văn Cẩm nhận định, theo quy định của BHXH, trường hợp nghỉ hưu khi chưa đủ tuổi theo quy định, người lao động sẽ phải giảm trừ tỷ lệ, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi từ 2%. Trong khi đó, hầu hết lao động trong các ngành sản xuất như may mặc, da dày, điện tử đều không đạt đến độ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Đặc biệt là với lao động nữ, vốn nhiều thiệt thòi, nay lại không có lộ trình cho thực hiện sẽ có thể dẫn tới gây “sốc” tới bộ phận lao động này. Do đó, phải có lộ trình phù hợp để bảo đảm bình đẳng ở cả cách tính lương, ở cả độ tuổi nghỉ hưu, vì hiện nay lương bình quân trước khi nghỉ hưu của nữ giới chỉ bằng 87% so với nam giới.
Đồng thời, Hiệp hội Dệt may cho rằng không nên tăng độ tuổi nghỉ hưu. Nguyên nhân do trong những nhóm ngành sản xuất, rất ít lao động có thể đạt đến độ tuổi nghỉ hưu như hiện hành chứ chưa nói đến mức khi đã tăng lên. “Trong ngành dệt may, đa số người lao động về hưu trước tuổi. Pháp luật cũng cho phép lao động ngành dệt may là lao động loại 4 nên có quyền về hưu trước 5 năm. Nhưng ngay cả khi về trước 5 năm, nhiều lao động cũng không đạt được”, ông Cẩm cho hay.
Những ngành như dệt may, da dày, điện tử, người lao động chỉ có thể trụ lại ở dây chuyền đến khi 35-40 tuổi.
Ông Trương Văn Cẩm lý giải, ngành dệt may có những công đoạn đặc thù như nối chỉ, sợi, nên các lao động nữ từ 40 tuổi trở lên thị lực giảm dần, khó có thể đáp ứng yêu cầu của công việc. Do vậy, với những ngành như dệt may, da dày, điện tử, người lao động chỉ có thể trụ lại ở dây chuyền đến khi 35-40 tuổi. “Họ phải tự rời đi hoặc bị chủ sử dụng lao động tìm cách sa thải. Đây là điều khó tránh trong cơ chế thị trường như hiện nay”, đây là tác động thứ nhất ông Cẩm nói.
Tác động thứ hai là lương hưu, “Khi lương hưu người công nhân đã không cao, nếu tăng tuổi nghỉ hưu kết hợp với chính sách về BHXH, thử hỏi họ còn được bao nhiêu đồng lương hưu”. Do đó, Hiệp hội Dệt may kiến nghị không tăng tuổi nghỉ hưu.