Thủ tướng Chính phủ: “Cổ phần hoá DNNN không thể “vô Chính phủ” - làm cũng được, không làm cũng được”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chúng ta phải cổ phần hoá ngay cả những doanh nghiệp có hiệu quả để thu hút, huy động vốn xã hội nâng cao năng lực quản trị và chống tham nhũng.
Chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, sáng ngày 21/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quá trình cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Còn tâm lý e ngại, "sân trước sân sau"
Cụ thể, giá trị thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2016- 2018 gấp 2,5 lần thực hiện từ 2011- 2015, hiệu quả hoạt động của DNNN tiếp tục tăng lên, tổng tài sản tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 4%, nộp NSNN là 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016...
Trong 8 tháng đầu năm 2018, doanh thu, lợi nhuận của các DNNN đều đạt trên 70% kế hoạch cả năm, 106 DNNN sau cổ phần hoá niêm yết.
Thủ tướng khẳng định, DNNN có vai trò hết sức cần thiết cho sự phát triển không chỉ đối với Việt Nam mà các nước khác trên thế giới như Trung Quốc, Singapore... “Chúng ta phải cổ phần hoá ngay cả những doanh nghiệp có hiệu quả để thu hút, huy động vốn xã hội nâng cao năng lực quản trị và chống tham nhũng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Qua quá trình tái cơ cấu, Thủ tướng cho biết, số lượng DNNN đã giảm từ 12.000 xuống còn 600 doanh nghiệp, góp phần ổn định vĩ mô, tạo nguồn thu lớn cho nhà nước, đời sống cán bộ của DNNN tốt hơn.
“Tính bình đẳng cạnh tranh được thể hiện tốt, nhiều đồng chí, cơ quan lo lắng nhưng tôi đến VNPT được biết tái cơ cấu rất hiệu quả. Không riêng VNPT, có nhiều doanh nghiệp làm tốt nhưng cũng có những doanh nghiệp khác lại chưa tốt, vai trò nằm ở người đứng đầu”, Thủ tướng nêu rõ.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn, hiệu quả và đóng góp của DNNN còn thấp, nếu quản lý tốt hơn và hiệu quả ứng dụng KHCN tốt hơn sẽ đóng góp cao hơn. Cụ thể, trong vấn đề thua lỗ, thất thoát.
“Trước đây khó khăn khi cổ phần hoá và thoái vốn chúng ta nói về giá trị đất đai, hàng hoá. Nhưng nay có cả những vấn đề gây thất thoát tài sản như một số trường hợp vừa qua phải thu hồi như cảng Quy Nhơn, xưởng phim… Nguyên tắc không thể làm thất thoát tài sản nhà nước, lập lại kỷ cương", Thủ tướng chỉ rõ.
Theo Thủ tướng, xảy ra tình trạng như vậy bên trong cũng có vấn đề, giám sát thanh kiểm tra nội bộ có vấn đề trong nhiều đơn vị. Do đó, quản trị doanh nghiệp minh khai minh bạch cần đẩy mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm, có thể không đạt kế hoạch đề ra
09:00, 21/11/2018
Thủ tướng chủ trì hội nghị đổi mới doanh nghiệp Nhà nước
07:16, 21/11/2018
Doanh nghiệp Nhà nước: Tái định vị hay tái cơ cấu?
05:24, 29/09/2018
“Quản lý doanh nghiệp yếu kém, “treo đầu dê bán thịt chó”, “sân trước sân sau” còn tồn tại, mà không chỉ là 1 sân sau, có khi có đến 13-14 sân sau. Đơn cử với ngân hàng, nếu chúng ta ăn phần trăm trong vốn tín dụng đó thì uy tín ngân hàng sẽ thấp, hoạt động của ngân hàng đó sẽ ảnh hưởng, đây là vấn đề yếu kém quản trị”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, quá trình cổ phần hoá năm 2016, 2017 Thủ tướng đánh giá chậm, đặc biệt là TPHCM không tiến hành được. Thủ tướng nhấn mạnh: “Không thể làm ào ào nhưng không thể không làm”.
Nhấn mạnh những nguyên nhân của vấn đề của tái cấu trúc DNN chậm, Thủ tướng cho rằng có nhiều nguyên nhân như còn tư tưởng e ngại, tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần, tư tưởng thiên vị, lợi ích nhóm đang kìm hãm cổ phần hoá DNNN.
Minh bạch trong tái cơ cấu DNNN
Thủ tướng đề ra mục tiêu đổi mới DNNN, tái cơ cấu lại DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, quản lý chuẩn mực quốc tế... “Theo đó, tái cơ cấu đổi mới mô hình tăng trưởng, áp dụng công nghệ trong quản lý quốc tế, phát triển lực lượng sản xuất và đào tạo nhân lực là những giải pháp rất cụ thể”, Thủ tướng cho biết.
Trong đó, tập trung ứng dụng CMN 4.0, thời đại kỷ nguyên số cần được nghiên cứu áp dụng vào điều hành tập đoàn, cố gắng tìm ra những sản phẩm cạnh tranh mà doanh nghiệp có tiềm năng.
Mục tiêu tới năm 2020, cơ cấu đổi mới DNNN, phấn đấu hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp, xử lý dứt điểm những công trình kém hiệu quả.
“Đơn vị nào có lý do khách quan không thể cổ phần hoá theo kế hoạch cần báo cáo. Không thể “vô Chính phủ” làm cũng được không làm cũng được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu, đẩy nhanh lộ trình thoái vốn và cổ phần hoá doanh nghiệp. Rà soát các đơn vị chưa cổ phần được giai đoạn trước chuyển về giai đoạn 2019-2020 và đẩy nhanh chuyển doanh nghiệp về SCIC.
“Các doanh nghiệp cổ phần hoá phải nghiêm túc thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán và nộp tiền đầy đủ về quỹ đổi mới sắp xếp DNNN”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong chậm trễ thoái vốn và cổ phần hoá. Người đứng đầu các DNNN phải xây dựng phương án sản xuất kinh doanh trong đó tiên phong công nghệ, hiệu quả quản lý.
“Tìm người tài không tìm người nhà, do đó phải minh khai trong công tác cán bộ, minh bạc trong đầu tư. Bởi hiện công khai minh bạch trong DNNN còn rất hạn chế”, Thủ tướng khẳng định. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện dự thảo chỉ thị Về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.