Doanh nghiệp CNTT gặp khó khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Lạc hậu trong công nghệ, quản lý còn nhiều điểm hạn chế là rào cản khiến các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam gặp nhiều thách thức khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngày 22/11, Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo: “Sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu: Cơ hội và thách thức” tại TP.HCM.
Tại hội thảo, đại diện một số lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẽ ý kiến, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhờ chính sách thu hút đầu tư FDI của Việt Nam; các hiệp định thương mại đã ký kết… Tuy nhiên, vấn đề công nghệ, quản lý lạc hậu là rào cản khiến các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi tham gia chuỗi giá trị này.
Có thể bạn quan tâm
“Mập mờ” trong gói thầu hàng trăm tỷ tại Học viện Cán bộ TP.HCM
16:20, 20/11/2018
TP.HCM: Nguồn cung căn hộ thiếu hụt, khu vực nào còn sản phẩm?
09:13, 20/11/2018
Bắt tạm giam nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM liên quan vụ Phan Văn Anh Vũ
19:47, 19/11/2018
Tại hội thảo, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, để tham gia sâu vào cuộc cách mạng 4.0 thì phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất công nghiệp công nghệ thông tin được coi là chìa khóa cho sự thành công.
Những năm qua, chúng ta đã có chủ trương tập trung, chú trọng phát triển giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Dù vậy, doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế, thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho khách hàng có thị trường toàn cầu cũng sản xuất các sản phẩm chất lượng hàng đầu với mức giá hợp lý.
Đồng thời, các doanh nghiệp công nghệ thông tin còn thiếu nhân lực có kỹ năng và chất lượng sản phẩm làm ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện tại. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp FDI vẫn phải “kéo theo” các doanh nghiệp vệ tinh khi hoạt động, sản xuất tại Việt Nam.
Cùng nhận định trên, ông Hoàng Minh Trí, Tổng Ciám đốc Công ty cổ phần 4p Electronics chia sẻ, thách thức là đa phần các doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, thiếu đồng bộ; chưa mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến trong sản xuất mà vẫn sử dụng phương thức quản lý theo kiểu cũ nên chưa có khả năng đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI về giá thành, chất lượng, giao hàng.
Công nghiệp công nghệ thông tin hiện là ngành kinh tế phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn.
Năm 2017, tổng số doanh nghiệp phần cứng, điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin là trên 28.000 doanh nghiệp; tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt 91,6 tỷ USD (tăng 35% so với năm 2016), trong đó công nghiệp phần cứng điện tử đạt 81,6 tỷ USD, phần mềm đạt 3,8 tỷ USD, dịch vụ đạt 5,4 tỷ USD, nội dung số 800 triệu USD; xuất khẩu đạt hơn 78,9 tỷ USD.
Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, thực tế hiện nay, một số tập đoàn lớn đang hoạt động tại Việt Nam chưa chú trọng đầu tư, phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, cần sửa đổi những bất cập liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư, có cơ chế chuyển giao hợp tác trong hoạt động nghiên cứu – phát triển của các doanh nghiệp FDI.
Đánh giá việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Hoàng Minh Trí cho rằng, cần phải tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Đó là tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa; nên có quy định tối giản về pháp luật trong kinh doanh cho doanh nghiệp SME (nhỏ và vừa) như tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kế toán, thuế, giảm bớt các quy định hành chính…